1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Dạy nghề gian nan hội nhập

Nguồn nhân lực là yếu tố “hụt hẫng” nhất khi hội nhập. Để giải được bài toán này, không gì khác là phải đào tạo được nguồn lao động có kỹ năng nghề.

Vướng mắc cơ chế

Tại Hội thảo "Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - cơ hội và thách thức" diễn ra ngày 18/1, nhiều chuyên gia than phiền: Dù đã hội nhập ASEAN, nhưng Việt Nam vẫn chưa có Khung trình độ quốc gia giáo dục nghề nghiệp theo Khung tham chiếu ASEAN. Do đó, hoạt động dạy nghề cũng khó định hướng để tìm ra lối đi.

Buổi thực hành chạy thử Robot mini tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Buổi thực hành chạy thử Robot mini tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Ngành du lịch cũng không thoát khỏi khó khăn trong việc lựa chọn Bộ tiêu chuẩn về khung chương trình đào tạo. Đại diện của Tổng cục Du lịch cho hay: "Hiện tại, chúng tôi có 3 bộ tiêu chuẩn, 1 bộ do Bộ VHTT&DL xây dựng, 1 bộ của Bộ LĐTB&XH, 1 bộ của Tổng cục Du lịch thực hiện với sự hỗ trợ của Dự án EU. Bộ tiêu chuẩn của Bộ VHTT&DL ban hành chính thức nhưng chưa hội nhập quốc tế toàn diện; bộ của Tổng cục Du lịch hiện đại, đáp ứng chuẩn ASEAN và hội nhập nhưng hơn một năm rồi vẫn chưa được áp dụng… Hiện giờ, chúng tôi chưa biết chọn bộ nào!".

Vì thế, nhiều chuyên gia đề nghị, Khung trình độ quốc gia sớm được ban hành, áp dụng, để từ đó xây dựng chuẩn đầu ra có tham chiếu các tiêu chuẩn năng lực của các nước trong khu vực và quốc tế. Và từ khung trình độ này mới xây dựng được năng lực giáo viên (GV) đáp ứng vị trí việc làm để giảng dạy cho từng chương trình.

Bên cạnh đó, các trường nghề cũng đang gặp khó trong thực hành. Do chưa có cơ chế ràng buộc giữa DN và các cơ sở dạy nghề, nên việc kết hợp đào tạo chủ yếu theo quan hệ cá nhân, rất lỏng lẻo. Chính sách của Nhà nước cho thực hành nghề cũng chưa được ưu đãi.

Ví dụ, ngành du lịch muốn có trường điểm, nhưng không có đầu tư xây dựng cơ sở thực hành hiện đại như khách sạn 5 sao. Nhưng khi có mô hình 3 sao thì lại phải hoạt động như DN, tức là có đóng thuế. Trong khi đó, ở Hongkong (Trung Quốc), cũng mô hình này được miễn thuế, tổng doanh thu hoạt động được dành cho đào tạo nghề.

Giáo viên thiếu và yếu

Là người quyết định chất lượng đào tạo, nhưng GV dạy nghề hiện đang thiếu kỹ năng nghề và yếu về ngoại ngữ. Ông Tạ Đức Huy - Phó Vụ trưởng Vụ GV, Tổng cục Dạy nghề đề nghị đổi mới mục tiêu đào tạo và bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu hội nhập để sử dụng được ngay.

Cùng với đó là đổi mới về xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV theo năng lực thực hiện. Nghĩa là trong quá trình bồi dưỡng phải tiếp cận với khoa học công nghệ; sau đó đổi mới phương pháp và hình thức bồi dưỡng GV. Bản thân mô hình đào tạo cũng phải xem xét.

Trình độ kỹ năng nghề và năng lực sư phạm là 2 yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho học sinh, sinh viên thích ứng với nhu cầu sử dụng nhân lực trong thị trường lao động không biên giới. Từ quan điểm này, TS Phan Chính Thức - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đề nghị, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV phải theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực thực hiện khu vực và thế giới.

Quyết định số 2448/QĐ-TTg đề ra nhiệm vụ triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục và dạy nghề các cấp phục vụ hợp tác quốc tế, đã quy định rõ việc này. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hường - Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, GV các cơ sở nghề nghiệp cần có 3 kỹ năng là chuyên môn nghề, sư phạm và ngoại ngữ. "Đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cử GV đến các DN thực tế để tích lũy kinh nghiệm và điều chỉnh phương pháp giảng dạy theo hướng gắn liền với thực tiễn DN".

Mục tiêu hướng tới là đào tạo những lao động có kỹ thuật cao. Đối với đội ngũ GV, Tổng cục Dạy nghề phải nghiên cứu xây dựng đề án quyết liệt và khả thi, làm sao trong thời gian ngắn nhất có đội ngũ thầy giáo dạy nghề phù hợp - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Văn Tý

Theo Báo Kinh tế đô thị