Hướng nghiệp chưa tốt, học sinh lúng túng chọn nghề
Nhiều học sinh lớp 12 thời điểm này vẫn không biết mình thích nhất ngành nghề gì. Có tình trạng này là do nhà trường chưa làm tốt công tác hướng nghiệp.
“Trường THPT Yên Hòa vừa tổ chức buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Thời điểm này, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng gặp không ít khó khăn trong việc chọn ngành nghề tương lai cho con em mình. Nhận thấy trách nhiệm của mình, trường THPT Yên Hòa đã trực tiếp mời các chuyên gia của Bộ GD-ĐT, các trường đại học đến tư vấn trực tiếp cho học sinh và phụ huynh” - bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Tại trường THPT Việt Đức, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Bình cho biết, bên cạnh điều chỉnh kế hoạch dạy học, tăng tiết đối với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho học sinh lớp 12, ôn tập cho học sinh… thì trường đặc biệt chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Trong các buổi tư vấn, nhà trường đều hướng dẫn và phân tích cho các em thấy rõ năng lực và sở trường môn học, từ đó hướng các em học ôn và đăng ký xét tuyển ngành nghề theo sở thích, năng lực của mình.
Nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của công tác hướng nghiệp, bà Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, người lao động Việt Nam phải cạnh tranh từng vị trí việc làm với đội ngũ nhân lực đến từ các nước có trình độ tay nghề cao, trình độ tiếng Anh, tin học thành thạo.
Trong một thị trường lao động cạnh tranh quyết liệt, việc lựa chọn nghề mình thích là chưa đủ mà còn cần cân nhắc năng lực bản thân có đủ để trúng tuyển và đủ điều kiện theo học ngành nghề đó không. Nhu cầu của thị trường nhân lực thời điểm tốt nghiệp cũng là điều không thể bỏ qua…
Để giúp học sinh có được những hình dung tốt nhất về lĩnh vực nghề nghiệp mình quan tâm, các chuyên gia tuyển sinh từ nhiều trường đại học đã trực tiếp trả lời thắc mắc tại các buổi tư vấn. Nhiều học sinh lo ngại trước thông tin nhu cầu lao động ở nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là kế toán đã bão hòa nên dù rất thích lĩnh vực này nhưng lại sợ rơi vào cảnh thất nghiệp.
Trả lời vấn đề này, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, trong thời đại hội nhập, cơ hội “học một ngành, nhưng làm nhiều nghề” sẽ nhiều, nếu người học biết cách tích lũy kiến thức và bổ sung thêm nhiều kỹ năng mềm.
Cùng học ngành kế toán, nhưng có những người được các công ty lớn tuyển chọn, nhưng có người lại không tìm được việc làm. Đó là do kết quả tích lũy của sinh viên, chứ không phải do ngành đào tạo quyết định. “Thất nghiệp hay có nghề nghiệp tốt, lệ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của người học” - ông Bùi Đức Triệu khẳng định.
Trả lời những thắc mắc của học sinh về nghề báo chí - truyền thông, TS Vũ Thị Kim Hoa, Phó trưởng Ban Đào tạo, Học viện Báo chí - Tuyên truyền cho biết, báo chí - truyền thông là một trong những ngành thú vị. Tuy nhiên, TS Vũ Thị Kim Hoa cũng cho rằng, để làm tốt công việc này, các bạn học sinh cần rèn luyện để có khả năng linh hoạt xử lý trong các tình huống, có sự hiểu biết rộng bên cạnh kiến thức chuyên ngành.
“Muốn trở thành nhà báo thì ngoài nhiệt huyết, bản lĩnh, các em còn cần có sức khỏe và nhiệt huyết, đam mê là tố chất rất quan trọng để thành công sau này” - TS Vũ Thị Kim Hoa chia sẻ.
Theo An ninh Thủ đô