Hướng dẫn viên: Có việc là mừng, không dám mơ thưởng Tết
(Dân trí) - "Từ tháng 1/2020 - 9/2020, anh em hướng dẫn viên du lịch phải ở nhà rồi. Chỉ mong sắp tới dịch không lan rộng để chúng tôi yên tâm với công việc", anh Nguyễn Kim Trung Nghĩa, một hướng dẫn viên nói.
Hiện nay, cả nước có khoảng trên 27.000 lao động làm nghề hướng dẫn viên. Trong khi dịch vụ đón khách quốc tế vẫn còn nhỏ giọt, còn thị trường khách nội địa đã bắt đầu rục rịch phục hồi trở lại.
Có khách, thu nhập dần phục hồi
Ba ngày nghỉ Tết Dương lịch 2021, anh Nguyễn Kim Trung Nghĩa (quê Bắc Ninh) - hướng dẫn viên dẫn tour cho 1 công ty du lịch lớn ở Hà Nội - bận rộn với công việc dẫn đoàn khách từ phía Nam lên huyện Mộc Châu (Sơn La).
Chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, anh Nguyễn Kim Trung Nghĩa cho biết càng vào dịp nghỉ lễ và về cuối năm, nhu cầu khách đặt các tour đi thăm quan, du lịch khá cao. Mọi dịch vụ như đặt vé trực tuyến (online), nhà nghỉ, khách sạn hay hướng dẫn khách đến các địa điểm thăm quan diễn ra hết công suất.
"Sau 2 đợt dịch, nhiều chính sách kích cầu du lịch khiến người dân tham gia nhiều hơn. Tuy nhiên không được như mọi năm, tình hình phục hồi chỉ đạt khoảng 60%", anh Nguyễn Kim Trung Nghĩa cho hay.
Là đồng nghiệp cùng công ty với anh Nguyễn Kim Trung Nghĩa, hôm nay, anh Đặng Đình Hưng cũng đang tất bật với việc dẫn những đoàn khách của mình.
Nói với PV, anh Hưng cho biết, thời điểm này hàng năm, anh đi làm trung bình tới 20-25 ngày/tháng với thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng. Các đơn hàng tour chủ yếu đến từ nhiều trường học tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, các tour gia đình đi các tỉnh Đông, Tây Bắc như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình…
"Vì mới đây dịch bùng phát trở lại, công việc tổ chức các tour chắc là khó khăn hơn. Tôi dự đoán sắp tới, những chương trình tâm linh như đi chùa của người dân, du lịch sẽ khởi sắc trở lại, anh em được thỏa sức đam mê với nghề", anh Hưng chia sẻ.
Khác với 2 đồng nghiệp, Hoàng Bảo An hôm nay không có lịch dẫn khách. Sắp tới (5/1), An mới có lịch ra sân bay Nội Bài đón khách đặt chuyến đi Tây Bắc.
Nhớ lại thời điểm này năm ngoái, Hoàng Bảo An cho biết gần như "cháy lịch", gần như không có ngày nghỉ.
Theo Hoàng Bảo An, ngành dịch vụ đã rục rịch trở lại, nhưng đương nhiên không được như cùng kỳ năm ngoái. Thêm nữa, Hoàng Bảo An mới vào nghề, cơ hội không được nhiều bằng các đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm đi trước.
Thưởng Tết: Không còn hấp dẫn như xưa
Đợt cuối tháng 12/2020, nhận định về tình hình thưởng Tết cho người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - cho rằng, với tình hình khó khăn như hiện nay, các ngành dịch vụ như du lịch, hàng không, khách sạn, nhà nghỉ chắc chắn sẽ không duy trì được những khoản tiền hậu hĩnh như trước giành cho nhân viên.
Là người làm nhiều năm trong nghề dịch vụ, anh Nguyễn Kim Trung Nghĩa thấu hiểu điều này rất rõ. Vì vậy, anh không quá mấy bận tâm về vấn đề có hay không thưởng Tết.
"Suốt từ dịp Tết Canh Tý đến tháng 9 năm ngoái, anh chị em hướng dẫn viên đã phải ngồi chơi ở nhà rồi. Chỉ mong sắp tới dịch dã không lan rộng để chúng tôi yên tâm với công việc", anh bày tỏ.
Cùng quan điểm trên, anh Đặng Đình Hưng chia sẻ tâm trạng chung đối với các đồng nghiệp dẫn khách quốc tế cũng như các nhân viên marketing, lễ tân trong khách sạn.
"Mọi hướng dẫn viên chúng tôi đều mong mỏi ở Nhà nước có biện pháp dập dịch một cách hiệu quả, triệt để nhất. Qua đó, bước sang mùa xuân mới, ngành du lịch Việt Nam thực sự có cơ hội phát triển bền vững và ổn định", anh Hưng nói.
Là một người mới vào nghề, Hoàng Bảo An rất muốn được quay trở lại với những chuyến đi, để thỏa mãn đam mê ấp ủ từ thời sinh viên của mình.
Anh Hoàng Bảo An tâm sự, điều mong mỏi duy nhất là Việt Nam vượt qua được "sóng gió" Covid-19 này để người dân đón một cái Tết Tân Sửu vui vẻ, đầm ấm. Qua đó, những hướng dẫn viên trẻ như Hoàng Bảo An được yên tâm trau dồi nghề nghiệp, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các tiền bối đi trước.