1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề hướng dẫn viên du lịch “bấp bênh” giữa tác động của Covid-19

Kim Anh

(Dân trí) - Dịch Covid-19 dần được kiểm soát nhưng ngành du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Số tour không đều và thu nhập giảm, nhân viên ngành du lịch chật vật tồn tại hoặc chuyển nghề khác để kiếm sống…

Chật vật đổi nghề

Có gần 2 năm kinh nghiệm là hướng dẫn viên tại một công ty TNHH về du lịch tại Hà Nội, nhưng từ đầu năm tới nay, chị Nguyễn Lan Nhi (23 tuổi, trú tại Hà Nội) phải tạm ngừng công việc vì dịch Covid-19.

Chị Nguyễn Lan Nhi cho hay, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng tour tới nay vẫn còn hạn chế nên công việc chưa được ổn định và phải làm thêm ngoài nhiều.

Tháng 9 vừa qua, chị Nguyễn Lan Nhi có dẫn 2 tour ở Hạ Long nhưng đều là tour du lịch làm thêm bên ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 2 vừa qua, công ty chủ yếu có các đoàn khách số lượng ít nên không cần đến hướng dẫn viên du lịch.

Nghề hướng dẫn viên du lịch “bấp bênh” giữa tác động của Covid-19 - 1

Nhiều hướng dẫn viên du lịch chật vật mưu sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Ảnh: Huy Nguyễn)

Vì vậy, nhân viên gần như cũng phải đổi nghề sang các nghề khác như bất động sản, bán hải sản,… Chị Nguyễn Lan Nhi cũng chuyển sang làm công việc đặt vé tour du lịch nội địa

“Thời điểm năm ngoái, tôi gần như không có thời gian ở nhà. Hết tour này rồi đến tour khác chạy quanh các địa điểm như Hòa Bình, chùm tour Đông Tây Bắc hay Hạ Long, Ninh Bình. Năm nay không có tour nên thu nhập giảm nhiều”, chị Nguyễn Lan Nhi tâm sự.

Được biết, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, mỗi tháng thu nhập của chị Nguyễn Lan Nhi khoảng từ 15-20 triệu đồng. Nay lượng khách tour giảm sút nhiều, thu nhập hiện tại chỉ khoảng từ 3- 5 triệu đồng/tháng. Để chi trả chi phí sinh hoạt cũng như các khoản chi tiêu đắt đỏ hàng ngày, số tiền ít ỏi kia cũng không thể trang trải được mấy .

Câu chuyện khó khăn cũng đến với anh Nguyễn Huy (24 tuổi, trú tại Hà Nội), hướng dẫn viên du lịch tự do với hơn 4 năm tuổi nghề. So với thời điểm dịch bùng phát, công việc hiện tại của anh Nguyễn Huy mới chỉ phục hồi được khoảng 10%.

“Mỗi tuần, tôi tham gia khoảng 1 - 2 chuyến vào cuối tuần. Thu nhập hiện tại gần như chỉ đủ trang trải cuộc sống. Từ đầu tháng 9 đến nay, tôi mới được khoảng 10 tour. Số lượng tour ít đi, bên cạnh đó là hành vi tiêu dùng của khách cũng thay đổi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân cũng chi tiêu dè dặt hơn so với trước”, nhân viên hướng dẫn viên này chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Huy, thời điểm này các hướng dẫn viên du lịch trẻ ra trường đều gặp khó khăn, ít khách hơn. Với những với người làm lâu năm vẫn sẽ có những nguồn khách quen như khách ghép, khách từ Sài Gòn. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế.

“Nhiều bạn phải nghỉ việc thì thu nhập thấp cũng như không có tour, thay vào đó làm một số công việc như bán bảo bảo hiểm, chạy grab,…để kiếm thêm thu nhập”, anh Nguyễn Huy cho biết.

Chờ đợi phục hồi

Đó là tâm sự của rất nhiều những nhân viên cũng như nhà doanh nghiệp, quản lý trong du lịch trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Chắt - Giám đốc một công ty du lịch trên địa bàn Hà Nội - cho biết, trong tháng 8 - 9, công ty gần như dừng tất cả các chuyến du lịch vì ảnh hưởng của dịch. Vì vậy, 2 tháng nhân viên cũng không có việc.

Theo Tổng cục Du lịch, tính đến cuối tháng 8/2020, du lịch nội địa bị ảnh hưởng nặng nề, người dân giảm các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí để phòng chống dịch bệnh. Lượng khách hủy tour trong tháng 8 lên đến khoảng 95-100%. Công suất buồng, phòng bình quân chỉ đạt 10-20%.

“Hầu hết các tour du lịch hiện nay của công ty đều là tour do đợt tháng 8 vừa qua bị hủy nên đợt này khách đi lại, các tour mới thì chưa có nhiều. Nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa với nhiều ưu đãi như giảm giá, mở các tour du lịch ghép giá rẻ để thu hút khách, tuy nhiên cũng chưa phục hồi được nhiều”, anh Chắt cho biết.

Thầy Đỗ Trần Phương - Phó trưởng khoa Du lịch trường Đại học văn hóa Hà Nội, đồng thời là Giám đốc một công ty du lịch tại Hà Nội - cho biết, ngành du lịch mới tái khởi động du lịch nội địa, còn du lịch quốc tế có thể đến cuối năm 2021 vẫn chưa thể hoạt động trở lại.

Theo thầy Đỗ Trần Phương, du lịch nội địa hiện nay chủ yếu trông vào tour đi biển. Tuy nhiên bây giờ lại vào cuối mùa thu nên du lịch biển cũng rất khó khăn để khôi phục. Các loại hình tour khác (núi, di sản,..) cũng chỉ nhộn nhịp hơn vào cuối tuần. Vì trong tuần rất khó để đi vì vướng thời gian làm việc và các gia đình còn có con đi học.

“Số lượng khách đặt tour còn ít, công ty phải đẩy mạnh mảng bán vé máy bay để duy trì và đưa ra những chương trình ưu đãi để kích cầu du lịch, khắc phục phần nào những khó khăn”, thầy Đỗ Trần Phương cho biết thêm.