Hợp tác xã đang “khát” nhân lực trẻ?

Hợp tác xã (HTX) hiện nay đang rất khát nhân lực trẻ bởi những người trẻ thường đi làm xa, người có trình độ thì đi làm công ty nước ngoài...

Những năm gần đây, sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, hoạt động của HTX đi vào thực chất hơn. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 22.861 HTX, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia.

Tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 1.215.490 người, thu nhập bình quân 36,6 triệu đồng/năm. Dù thu nhập đã được cải thiện đáng kể, nhưng các HTX hiện nay vẫn khó thu hút nhân tài, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ.

Hưởng lợi dưới "mái nhà chung" là HTX

Chia sẻ tại buổi họp báo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 9/10, bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HTX Dịch vụ nông nhiệp Nhân Lý (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, từ kinh nghiệm 22 năm liên tục làm lãnh đạo HTX, bà thấy rằng tham gia vào HTX, các thành viên là người được hưởng lợi rất lớn.

Hợp tác xã đang “khát” nhân lực trẻ? - 1
Bà Nguyễn Thị Hương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HTX Dịch vụ nông nhiệp Nhân Lý ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Song bà Hương cho rằng, bài toán nhân lực cho HTX là một vấn đề khó. Số lượng thành viên HTX Nhân Lý hiện nay đã lên tới 2.460 người, thường là những người lớn tuổi. "Người trẻ đi làm xa, người có trình độ thì đi làm chỗ khác, ở các công ty, xí nghiệp nước ngoài", bà Hương nói.

HTX hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn như đất đai, tài chính, tiếp cận vốn tín dụng, khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực... "Nguồn nhân lực của HTX chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, có nhiệt huyết nhưng trình độ chưa cao vì không được đào tạo bài bản. Chúng tôi rất mong muốn được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực là cán bộ của HTX. Nếu có những người có kinh nghiệm, trình độ, được đào tạo cơ bản cộng thêm tâm huyết thì chắc chắn mô hình HTX sẽ thành công, bà Hương nói.

Thông thường, rất khó để động viên, khuyến khích người nông dân cùng trồng một loại cây, cùng nuôi một giống vật nuôi, cùng không sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật quá mức để bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp.... Nhưng khi đã tham gia HTX, tất cả các thành viên đều có ý thức làm những việc này mà không cần phải động viên, khuyến khích vì họ biết rõ lợi ích mà họ được hưởng khi cùng nhau làm việc dưới "mái nhà chung" là HTX, bà Hương nêu thực tế.

Theo bà Hương, chi phí sản xuất ở HTX là khá cao. Tổng số chi phí cày bừa, cấy gặt, làm cỏ, bón phân…, bình quân mỗi sào phải mất 900.000 - 1.000.000 đồng/vụ. Nhiều khi vào thời vụ, để thuê lao động gặt hái, cày bừa…, người nông dân phải bỏ ra 300-400.000 đồng/ngày công, thậm chí còn không thuê được.

Năm 2016, HTX Nhân Lý mạnh dạnh huy động thành viên góp vốn, ai không có tiền thì "cắm" sổ đỏ vay ngân hàng để góp vào HTX, mua máy móc nông nghiệp. HTX sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại, tiên tiến này cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho nông dân với chi phí chỉ bằng một nửa.

"Một người, một nhóm người không đủ tiền mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nếu có mua được thì hiệu quả hoạt động rất thấp nhưng cùng nhau góp vốn thì hiệu quả cao hơn rất nhiều. Người nông dân không chỉ giảm được chi phí đầu tư mà còn tăng được năng suất lao động, tăng được hiệu quả sản xuất nhờ cấy cày, gặt hái, đúng thời vụ", bà Hương chia sẻ.

Nữ lãnh đạo HTX Nhân Lý nhấn mạnh, 100% thành viên sử dụng tất cả dịch vụ do HTX cung cấp, không chỉ dịch vụ cày cấy, gieo trồng, thu hoạch mà cả phân bón, giống vật nuôi, cây trồng... . "Đầu vào mua của HTX, sản phẩm đầu ra cũng bán cho HTX, không sợ bị mua đắt, bán rẻ, yên tâm về chất lượng nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp cao hơn rất nhiều", bà Hương nói.

Hợp tác xã đang “khát” nhân lực trẻ? - 2
Hợp tác xã đang "khát" nhân lực trẻ. (Ảnh minh họa)

Vẫn còn tâm lý e ngại đối với HTX kiểu cũ

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đoàn - Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù đạt kết quả đáng khích lệ, song trong thời gian qua, các HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đóng góp của khu vực này vào GDP cả nước có xu hướng giảm xuống sau 15 năm triển khai Nghị quyết, trung bình khoảng 4%.

Nguyên nhân là do nhiều nơi chưa có sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, đính hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho kinh tế tập thể phát triển. Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời…

Nhiều HTX vẫn khó khăn, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường… 

"Đặc biệt, tâm lý e ngại đối với HTX kiểu cũ vẫn còn ảnh hưởng nặng nề trong đông đảo tầng lớp nhân dân", ông Nguyễn Văn Đoàn nói.

Để sớm khắc phục các yếu kém, hạn chế, ông Nguyễn Văn Đoàn cho rằng, thời gian tới cần xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX bền vững trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc HTX. Thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia kinh tế tập thể, HTX.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống khẳng định, kinh tế tập thể, HTX đang phục hồi và phát triển đúng hướng. Mô hình hợp tác xã kiểu mới phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, HTX cần đóng vai trò tích cực, kết nối và mở rộng hợp tác, tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế thành viên và các chủ thể khác. Ngoài ra, phải tự đổi mới và phát triển lớn mạnh để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nền kinh tế thị trường, ông Thống lưu ý.

Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Diễn đàn kinh tế hợp tác và HTX năm 2019 dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà nội, vào ngày 14/10/2019.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN