1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hợp tác Việt - Nhật: Từ chuyện lao động đến thực phẩm trên bàn ăn

An Linh

(Dân trí) - Mối nhân duyên hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực kinh tế, xã hội không chỉ dừng lại ở lao động việc làm. Gần đây, nhiều nông sản Việt đã tiếp cận được thị trường khó tính bậc nhất này.

Điểm đến số một của lao động Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), số lao động Việt Nam đang ở Nhật năm 2019 đang đứng vị trí thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Tổng số lao động Việt Nam tại Nhật là hơn 401.000 người.

Hợp tác Việt - Nhật: Từ chuyện lao động đến thực phẩm trên bàn ăn - 1

Nhật Bản đang là thị trường tiếp nhận lao động số một của Việt Nam

Số lao động Việt Nam hiện làm việc trong nhiều lĩnh vực tại Nhật như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, y tế và được các liên đoàn, doanh nghiệp, chủ sử dụng đánh giá cao về năng lực, hành vi và kỹ năng cao.

Vừa qua, các nhà lập pháp Nhật Bản đang xem xét điều khoản cho phép lao động có tay nghề trong 14 lĩnh vực được gia hạn visa vô thời hạn bắt đầu từ năm 2022. Nếu được sửa đổi và có hiệu lực, lao động Việt Nam và Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Các lao động nếu được cấp visa vô thời hạn tại Nhật có thể đem theo gia đình sang Nhật sinh sống.

Hiện, Nhật Bản vẫn là một trong những thị trường mà lao động Việt sang làm việc đông nhất bởi do dân số Nhật đang có mức độ già hóa nhanh chóng, nhiều ngành nghề và lĩnh vực lao động của Nhật Bản đang rất thiếu nhân lực như chăn nuôi, trồng trọt, điều dưỡng, cơ khí, hàn, sửa chữa...

Theo đại diện của doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Hà Nội, thị trường Nhật Bản có tính ổn định cao, nhu cầu của các doanh nghiệp, nghiệp đoàn lớn và tăng theo các năm. Mức phí đi lao động tại Nhật đang rẻ đi và hướng tiếp cận nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Các ngành chế biến nông, hải sản phía Nhật đang ngày càng chú trọng chọn lựa lao động có kỹ năng tại Việt Nam nhiều hơn.

Rau, củ, quả Việt ùn ùn vào Nhật

Sự kiện quả vải thiều, xoài hay lá tía tô, nhãn tươi sang Nhật gây ấn tượng mạnh thời gian qua.

Điều kiện xuất khẩu thực phẩm, rau củ quả sang Nhật hiện vẫn rất khắt khe, trong đó, cơ bản nhất, đối tác cần các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn của Nhật, như nông nghiệp hữu cơ có truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở chế biến tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sau đó đáp ứng các điều kiện mới xuất khẩu sang Nhật.

Nhiều doanh nghiệp Việt chủ động bắt tay với doanh nghiệp, nhà mua hàng ở Nhật để xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu, xác định làm ăn bài bản, lâu dài với phía Nhật.

Thực tế, để xuất khẩu sang Nhật Bản bằng chính sản phẩm, nhãn mác, bao bì từ Việt Nam không phải là chuyện dễ bởi đối tác Nhật Bản rất khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề lao động, vệ sinh phòng dịch.

Chính vì thế, hầu hết doanh nghiệp Việt ngoài việc phải đáp ứng các đòi hỏi khắt khe về công nghệ, còn phải tuân thủ nghiêm ngặt về vệ sinh, vấn đề lao động trong chuỗi sản xuất.

Thương vụ xuất khẩu quả vải thiều, nhãn tươi hay lá tía tô, xoài Việt Nam sang Nhật Bản vừa qua là minh chứng. Dù số lượng ít, nhưng chất lượng sản phẩm từ Việt Nam sang Nhật luôn phải đạt tiêu chuẩn cao nhất. Kết quả đổi lại là giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng thu về cũng cao nhất.