1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hợp đồng 2 năm, làm 9 tháng đã bị về nước

(Dân trí) - Đã 2 ngày nay, 21 lao động sang Bulgarie làm việc, phải về nước trước hạn, kéo đến Trung tâm phát triển việc làm và XKLĐ (thuộc Công ty Cổ phần XNK vật tư thiết bị đường sắt Virasimex- 132 Lê Duẩn, Hà Nội) để đòi lại tiền.

Phóng viên có mặt tại trụ sở Trung tâm phát triển việc làm và XKLĐ sáng 5/5, chứng kiến cảnh hơn 20 lao động tỏ ra khá bức xúc, đòi gặp lãnh đạo trung tâm để giải quyết. Người lao động yêu cầu phía Trung tâm XKLĐ phải trả lại số tiền môi giới cho họ đi XKLĐ trước đây là 1.440 USD. Phía lãnh đạo trung tâm lại cho rằng người lao động đòi hỏi như vậy là không có cơ sở vì người lao động không có biên lai thu tiền môi giới.
 
Hợp đồng 2 năm, làm 9 tháng đã bị về nước - 1

Hơn 20 lao động bức xúc trao đổi với PV ngay bên ngoài hành lang của công ty Virasimex. (Ảnh: H.Ngân) 

Anh Đinh Xuân Cơ (SN 1976, Sóc Sơn, Hà Nội) đại diện cho tập thể người lao động trình bày: "Trong tháng 7/2008, chúng tôi sang Bulgaria làm việc qua công ty môi giới Virasimex. Hợp đồng chúng tôi ký với Virasimex là 2 năm với mức lương cơ bản là 450 leva (tiền Bungaria, tương đương 320 USD).

Thế nhưng để sang được Bungaria chúng tôi phải chi phí 2.500 USD. Trong đó, 500 USD là tiền ký quỹ (gồm cả 8 triệu đồng tiền đặt cọc), 400 USD phí dịch vụ XKLĐ tại VN. Phí dịch vụ môi giới là 1.440 USD. Còn 160 USD đi đâu người lao động cũng không được giải thích và biết rõ".   

Thế nhưng vừa chân ướt chân ráo sang đất Bungaria được vài tháng thì ngày 14/4/2009, số lao động trên đã phải về nước trước hạn hợp đồng ký với Virasimex. Họ cho biết, có 2 lao động trong số họ đã bỏ trốn ra ngoài làm sau khi biết thông tin bị kết thúc hợp đồng.

Ngày 23/4, theo thông báo của công ty, 25 lao động về nước đã lên công ty thanh lý hợp đồng. Theo đó, người lao động chỉ được nhận lại số tiền đặt cọc là 8 triệu đồng (cộng với lãi suất ngân hàng của số tiền này) cùng với 3,4 triệu đồng là tiền công ty “hỗ trợ” cho người lao động.

Trong số 25 lao động lên thanh lý hợp đồng theo thông báo của trung tâm thì chỉ có 4 lao động chịu nhận số tiền này. Còn lại, các lao động khác đều khẳng định ngoài số tiền hỗ trợ của công ty ra, công ty cần phải trả lại một phần tiền môi giới do công ty không thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký với người lao động.

Theo anh Nguyễn Duy Long (SN 1963, Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết, nguyên nhân của việc lao động Việt Nam tại Bungaria phải về nước sớm vì người lao động đã hết hạn hợp đồng được ký với chủ sử dụng lao động tại Bungaria.

Anh Long cho biết thêm, anh và những lao động khác ký với công ty nước bạn từ 4/3/2008, thời gian bắt đầu làm việc từ 11/3/2008. Nhưng do công ty Virasimex làm thủ tục chậm nên mãi tới tháng 7 số lao động Việt Nam này mới được xuất cảnh.

Tại điều khoản hợp đồng lao động được kí giữa công ty Orgachim (tỉnh Russe, Bulgaria) và người lao động được ghi rất rõ thời hạn của hợp đồng xác định là 1 năm. Ý kiến của những người lao động về nước đều cho rằng, tính từ thời điểm hợp đồng ký với công ty đến tháng 4 là hết hợp đồng nên phía bạn thanh lý hợp đồng với người lao động là hoàn toàn hợp pháp. Nếu có trách thì trách công ty Virasimex đã làm thủ tục chậm cho họ mất tới hơn 3 tháng.

Đổ lỗi cho suy thoái kinh tế

Trao đổi với báo chí, ông Lê Mai An, Phó GĐ Virasimex cho rằng, việc lao động phải về nước sớm là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên phía bạn cắt giảm lao động. “Đây là rủi ro mang tính khách quan. Chúng tôi đã có ý định tìm việc khác nhưng do thủ tục quá phức tạp và kéo dài nên quyết định đưa người lao động về nước”, ông An nói.
 
Hợp đồng 2 năm, làm 9 tháng đã bị về nước - 2

Người lao động gửi đơn cho PV tố doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động. (Ảnh: H.Ngân)

Nhưng theo anh Phạm Văn Hùng (SN 1981, Quảng Tiên, Quảng Trạch, Quảng Bình), khó có chuyện công ty nước bạn cắt giảm lao động do suy thoái kinh tế vì công ty mà các lao động Việt Nam vừa phải kết thúc hợp đồng làm việc là chuyên sản xuất sơn đã có lịch sử 106 năm với hàng ngàn lao động vẫn đang làm việc và ngay bản thân họ vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động. Hơn nữa, công ty này luôn đầy đủ việc theo thời vụ, mùa hè làm sơn trên các công trình xây dựng; mùa đông sản xuất đóng gói, đóng thùng tại nhà máy. Lao động Việt Nam đề nghị được ở lại làm việc song phía bạn cho biết, theo đúng hạn hợp đồng đã kí nên họ phải chấm dứt theo luật và không thể sử dụng lao động tùy tiện sai nguyên tắc.

Theo trình bày của hơn 20 lao động này, họ đều mong muốn được trả lại một phần phí môi giới phải nộp cho công ty, theo tỷ lệ tương ứng thời gian chưa được làm việc. Nghĩa là họ mới chỉ làm được 9 tháng thì công ty phải trả lại phí môi giới 15 tháng còn lại.

Khi phóng viên đề nghị ông An xác nhận có hay không chuyện công ty đã thu số tiền môi giới này thì ông An và cán bộ công ty lại phủ nhận nói “làm gì có số tiền này” (?!). Ông An cũng nói sẽ trả lời vấn đề này sau.

Hồng Ngân