Hơn 800.000 tấn bom, mìn đang nằm dưới lòng đất Việt Nam
(Dân trí) - Sau nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, lượng bom đạn còn nằm dưới lòng đất tại Việt Nam hơn 800.000 tấn. Việt Nam cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm để làm sạch số bom mìn còn sót lại.
Đây là thông tin được công bố tại buổi họp báo về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 2/4 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, hơn 800.000 tấn bom đạn còn sót lại sau chiến tranh đã và đang làm ô nhiễm, nghi ngờ ô nhiễm cho khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,71 % tổng diện tích của cả nước.
“Để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm. Ngoài ra, Việt Nam còn cần tới hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội” - ông Nguyễn Bá Hoan cho biết.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Thống kê của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, khu vực các tỉnh miền Trung là nơi có nhiều bom đạn tồn dư nhất trong cả nước.
Tại họp báo, đại diện Bộ LĐ-TB&XH khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc mong muốn trở thành quốc gia không còn chịu tác động của bom mìn. Đồng thời, Việt Nam luôn nỗ lực và huy động mọi nguồn lực để tăng tốc độ rà phá bom mìn.
Đồng quan điểm trên, đại tá Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), cho biết, nhiều năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng nỗ lực đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng đất bị ô nhiễm, như: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, Đồng bằng sông Cửu Long…
Cũng theo đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, việc rà phá bom mìn tại Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của công tác tuyên truyền, ủng hộ đóng góp trong và ngoài nước nhằm mục tiêu loại bỏ bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh.
Hoàng Mạnh