Hơn 68% lao động 15-24 tuổi tại Việt Nam làm việc phi chính thức
(Dân trí) - Theo điều tra lao động việc làm năm 2021, nước ta có khoảng 3,19 triệu lao động trong độ tuổi 15-24 có việc làm phi chính thức, chiếm 68,51% trên tổng số lao động trong độ tuổi 15-24.
Đây là thông tin tại tọa đàm Công bố Báo cáo quốc gia về Việt Nam với chủ đề "Thị trường lao động ở Việt Nam" (số 6/2023) do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel Stiftung (CHLB Đức) tổ chức tại Hà Nội.
Theo báo cáo "Việc làm phi chính thức (PCT) và các khía cạnh giới ở Việt Nam" của TS Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Năm 2021, tỷ lệ lao động ở độ tuổi 15-34 của nhóm lao động PCT cao hơn so với tỷ lệ tương ứng của nhóm lao động có việc làm chính thức (28,71% so với 48,91%).
Đáng lưu ý, năm 2021, cả nước có khoảng 3,19 triệu người lao động trong độ tuổi thanh niên từ 15-24 có việc làm phi chính thức, chiếm 68,51% tổng số lao động trong độ tuổi 15-24.
TS Trịnh Thu Nga nhận định phần lớn lao động PCT ít cơ hội đào tạo và các điều kiện làm việc nghèo nàn, thiếu thông tin, cơ hội tiếp cận đến việc làm thỏa đáng.
Lao động có việc làm PCT đang nằm ngoài độ bao phủ của các chính sách thị trường lao động (TTLĐ) và an sinh xã hội (ASXH) nếu không thuộc đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn...
Trong bối cảnh hiện nay, lao động PCT có thể gặp rất nhiều bất lợi với tình trạng suy thoái kinh tế, đặc biệt đối với lao động trẻ tuổi và lao động nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ.
Để hạn chế tình trạng trên, TS Trịnh Thu Nga đưa ra 5 giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm trên cơ sở đảm bảo quyền và cách tiếp cận bình đẳng về giới, về độ tuổi, bình đẳng về cơ hội cho mọi người. Đặc biệt, sửa đổi Luật Việc làm 2013 theo hướng mở rộng độ bao phủ của các chính sách.
Thứ hai, đầu tư cho phát triển kỹ năng cho lao động PCT, nhất là lao động nữ để họ có thể tiếp cận đến việc làm chính thức.
Thứ ba, hỗ trợ người lao động PCT chuyển đổi sang việc làm chính thức thông qua đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ hoạt động vào các nghiệp đoàn. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị kinh tế PCT gia nhập khu vực chính thức.
Thứ tư, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho lao động PCT, nhất là lao động nữ. Cụ thể, quá trình sửa đổi Luật BHXH 2013 theo hướng mở rộng độ bao phủ của BHXH đến toàn bộ lực lượng lao động và phát triển hệ thống BHXH đa tầng, đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức và hiểu biết của lao động trong khu vực PCT về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tiếp tục xây dựng chính sách, chế độ trợ cấp trẻ em đa tầng; xây dựng quỹ tiết kiệm quốc gia hay quỹ phúc lợi xã hội đối với một số ngành có tỷ trọng lao động PCT cao và có mức độ rủi ro cao (như ngành xây dựng);
Thứ năm, tăng cường quản lý Nhà nước về lao động PCT. Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy thanh tra lao động địa phương và điều chỉnh chế tài xử phạt vi phạm pháp luật lao động cả ở khu vực chính thức và khu vực PCT.