Hơn 35.000 cơ hội việc làm hấp dẫn "chào đón" lao động miền Tây

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Phiên giao dịch việc làm trực tuyến lần 2 do Trung tâm dịch vụ việc làm Cần Thơ tổ chức thu hút 75 đơn vị tham gia tuyển dụng trong đó có 35.106 vị trí việc làm trống.

Ngày 26/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến lần 2. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm, bổ sung nguồn nhân lực để phục hồi sản xuất sau dịch và cầu nối cho người lao động tìm được vị trí phù hợp.

Hơn 35.000 cơ hội việc làm hấp dẫn chào đón lao động miền Tây - 1

Lao động đến xem thông tin tuyển dụng việc làm Cần Thơ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Hơn 35.000 cơ hội hấp dẫn

Phiên giao dịch việc làm lần này có 75 đơn vị tham gia tuyển dụng với 35.106 vị trí việc làm trống cần tuyển với các ngành nghề như: Giám đốc miền, Trưởng phòng kinh doanh, kỹ sư, nhân viên kế toán, nhân viên kinh doanh, nhân viên tư vấn, nhân viên hành chính quản trị, kỹ sư điện - điện tử, lao động phổ thông…

Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ có 7 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tuyến. Trong đó, 3 doanh nghiệp tuyển dụng việc làm ngoài nước, với 1.282 vị trí việc làm trống cần tuyển với các ngành nghề phù hợp với người lao động.

Cơ hội việc làm cho hơn 35.000 lao động ở miền Tây

Các vị trí cần tuyển như: Giám sát công trình, nhân viên tư vấn kỹ thuật, nhân viên thống kê, Giám đốc chi nhánh, Trưởng nhóm kinh doanh, nhân viên kinh doanh, thực tập sinh, nhân viên buồng phòng, lao động phổ thông. Bên cạnh đó, còn có 55 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ủy thác với hơn 3.200 vị trí việc làm cần tuyển.

Theo ghi nhận của PV, hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều đưa ra mức lương cơ bản từ 6 triệu đồng riêng với những vị trí như giám đốc, giám sát công trình... có mức lương khá cao từ 18 đến 40 triệu đồng, tùy từng vị trí.

Đối với các doanh nghiệp tuyển kỹ sư, thực tập sinh sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đều đưa ra mức lương hấp dẫn từ 24 triệu đến 65 triệu đồng.

Hơn 35.000 cơ hội việc làm hấp dẫn chào đón lao động miền Tây - 2

Ứng viên phỏng vấn trực tuyến (Ảnh: Bảo Kỳ).

Kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh, ông Trịnh Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm cho biết, trong Phiên giao dịch việc làm trực tuyến lần 2, tỉnh Trà Vinh có 5 doanh nghiệp và 200 ứng viên tham gia.

Để thu hút lao động trở lại làm việc sau dịch các doanh nghiệp tung ra nhiều đãi ngộ như hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động, cho ứng lương từ 2 triệu đồng/người, hỗ trợ từ một đến 3 tháng tiền thuê trọ…Đặc biệt mức lương và phụ cấp của các công ty đưa ra cũng khá cao dao động 9-12 triệu đồng/tháng.

"Tính đến thời điểm này Trà Vinh có khoảng 35.000 lao động bị mất việc vì Covid-19. Trong đó, từ ngày 1/10, tỉnh đón hơn 25.000 lao động mất việc từ Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai… trở về khi dịch bùng phát.

Việc các doanh nghiệp, công ty đẩy mạnh tuyển dụng đợt cuối năm là cơ hội tốt để phục hồi, tái sản xuất sau dịch, bản thân người lao động có công việc để ổn định cuộc sống", ông Trịnh Minh Hùng phân tích.

Dịch Covid-19 khiến lao động e ngại

Trao đổi về nhu cầu xuất khẩu lao động của ứng viên, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ cho biết, mặc dù Cần Thơ và các tỉnh, thành khác đã trở lại trạng thái bình thường nhưng nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài của người lao động vẫn còn thấp rất nhiều so với những năm trước.

Hơn 35.000 cơ hội việc làm hấp dẫn chào đón lao động miền Tây - 3

Trung tâm sẽ cử nhân viên phỏng vấn thay nhà tuyển dụng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trong Phiên giao dịch việc làm đợt một có 3 công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia tư vấn, tuyển dụng với Trung tâm Cần Thơ.

Thời điểm hiện tại có nhiều công việc với mức lương "hấp dẫn" nhưng do thời điểm này dịch Covid-19 vẫn chưa thật sự ổn định, người lao động vẫn còn e ngại với việc đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, Phiên giao dịch chưa thu hút được lao động cho các công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

"Đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản và các nước khác sau giãn cách vẫn còn nhiều khó khăn. Thị trường Đài Loan vẫn tạm ngừng tiếp nhận lao động nước ngoài", bà Vân nói thêm.

Trong khi đó, Nhật Bản đã tiếp nhận lại lao động Việt Nam sang làm việc từ đầu tháng 11. Nhưng việc "nới rộng" mới chỉ áp dụng cho số lượng lao động chờ xuất cảnh từ năm 2020 đến nay còn tồn đọng.

Bà Vân cho biết: "Họ ưu tiên giải quyết cho lao động đã được cấp Visa từ năm 2020. Từ sau giãn cách đến nay thì chỉ có một lao động đã xuất cảnh sang Nhật Bản".