Hơn 250.000 công nhân Vĩnh Phúc có thưởng Tết

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Gặp khó khăn những tháng cuối năm nhưng hầu hết doanh nghiệp doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc đã thông báo mức thưởng Tết để người lao động yên tâm làm việc.

Ngày 15/12, thực hiện chương trình công tác năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh dẫn đầu đã tổ chức đoàn công tác nắm bắt tình hình thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, nắm bắt tình hình thực hiện chính sách lao động, việc làm, quan hệ lao động tiền lương và bảo đảm đời sống người lao động trong các doanh nghiệp dịp cuối năm tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Hơn 250.000 công nhân Vĩnh Phúc có thưởng Tết - 1

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nắm bắt tình hình lao động tại công ty Cosmos (Vĩnh Phúc) (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Trong ngày, đoàn công tác đã trực tiếp xuống các doanh nghiệp ngành dệt may, một trong những ngành hiện nay đang phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm để nắm bắt tình hình công nhân, thưởng Tết dịp cuối năm.

Khắc phục khó khăn, giữ chân lao động

Tại buổi làm việc, ông Lưu Văn Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến một số doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp về lao động để giảm bớt khó khăn như giảm giờ làm, tăng số ngày nghỉ hàng tuần; bố trí lao động làm việc luân phiên, thỏa thuận cho lao động nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao động.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng 251.343 đang làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó 1.231 lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước; 93.872 lao động làm việc trong doanh nghiệp ngoài nhà nước và 156.240 lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hơn 250.000 công nhân Vĩnh Phúc có thưởng Tết - 2

Công nhân công ty Cosmos vẫn được đảm bảo việc làm dịp cuối năm (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Trong đó, 128.436 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, gồm 9.103 lao động của doanh nghiệp ngoài nhà nước và 119.333 lao động của việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo kết quả khảo sát năm 2021, có 1.478 lượt lao động phải nghỉ luân phiên, 11.866 lượt lao động làm việc tại các doanh nghiệp phải ngừng việc, 3.893 lượt lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, 2.609 lượt lao động phải nghỉ việc luân phiên, 3.064 lao động chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Những lao động phải ngừng việc theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp trả lương ngừng việc bằng mức lương tối thiểu vùng; một số doanh nghiệp trả bằng tiền lương trên hợp đồng lao động tại thời điểm người lao động phải ngừng việc", ông Dũng cho biết.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2020 đến nay dù doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lạm phát tuy nhiên tiền lương, điều chỉnh, nâng lương tiền lương bình quân của người lao động làm đều tăng.

Quý I năm 2022, xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ, khó khăn trong đảm bảo lao động so với quy mô sản xuất của doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng số lao động lớn do có 26.557 lao động của 307 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là F0 (chiếm trên 23,4% số lao động đang sử dụng, hơn 11% số lao động đang làm việc tại doanh nghiệp), chưa kể số lao động của các doanh nghiệp nêu trên là F1 do tiếp xúc gần với F0 tại nơi làm việc hoặc tại nơi cư trú.

Hơn 250.000 công nhân Vĩnh Phúc có thưởng Tết - 3

Dự báo năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng Vĩnh Phúc sẽ khắc phục khó khăn để giữ chân lao động (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Quý IV năm 2022, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh giảm so với các năm trước. Hầu hết các doanh nghiệp phải tìm cách khắc phục khó khăn, giữ chân lao động.

"Mặc dù có nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến quan hệ lao động nhưng trên địa bàn không phát sinh những vấn đề mới hoặc quá phức tạp về quan hệ lao động.

Dù tình hình biến động về lao động xảy ra vì nhiều lý do nhưng không có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động quy mô lớn. Từ tháng 7/2022, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp do sản xuất, kinh doanh khó khăn phải cắt giảm từ 100 lao động trở lên", ông Dũng thông tin.

Thưởng Tết sớm để người lao động yên tâm 

Theo Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc, tính đến ngày 12/12, có 106 doanh nghiệp sử dụng 51.151 lao động báo cáo về tình hình tiền lương năm 2022 và dự kiến thưởng Tết năm 2023.

Theo đó, tiền lương thực trả của các doanh nghiệp năm 2022 bình quân là 10.202.107 đồng/người/tháng; mức cao nhất là 106.730.000 đồng/người/tháng (1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng ngoài khu công nghiệp); mức thấp nhất là 3.640.000 đồng/người/tháng.

Hơn 250.000 công nhân Vĩnh Phúc có thưởng Tết - 4

100% công nhân Công ty Midori Apparel Việt Nam vẫn được duy trì việc làm đều trong bối cảnh khó khăn (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Doanh nghiệp có vốn nhà nước bình quân là 7.014.018 đồng/người/tháng, mức cao nhất là 26.816.400 đồng/người/tháng, mức thấp nhất là 3.700.000 đồng/người/tháng.

Doanh nghiệp ngoài nhà nước: Bình quân là 7.031.108 đồng/người/tháng, mức cao nhất là 51.025.194 đồng/người/tháng, mức thấp nhất là 3.640.000 đồng/người/tháng.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là: 9.316.768 đồng/người/tháng, mức cao nhất là 106.730.000 đồng/người/tháng, mức thấp nhất là 3.640.000 đồng/người/tháng.

Hiện nay, có 1 doanh nghiệp đang nợ lương của 160 người lao động từ tháng 6/2022 đến hết tháng 10/2022 với số tiền 2,2 tỉ đồng. Công ty đang tích cực đàm phán với các đối tác để tháo gỡ, thanh toán tiền lương cho người lao động.

Để người lao động yên tâm làm việc dịp cuối năm, hơn 70 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có kế hoạch thưởng Tết dương lịch, hơn 100 doanh nghiệp báo cáo kế hoạch thưởng Tết Âm lịch.

Hơn 250.000 công nhân Vĩnh Phúc có thưởng Tết - 5

Công ty Midori Apparel Việt Nam vẫn đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người lao động (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Mức thưởng Tết dương lịch bình quân là 1.818.027 đồng/người (năm 2021 là 1.696.647 đồng/người); cao nhất là 101.000.000 đồng/người (1 doanh nghiệp FDI trong KCN).

Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân là 4.643.148 đồng/người; cao nhất là 260.000.000.000 đồng/người (1 doanh nghiệp FDI trong KCN), thấp nhất là 100.000 đồng/người (lao động làm việc dưới 1 tháng).

Trong đó, 4 doanh nghiệp có vốn nhà nước dự kiến thưởng Tết Âm lịch bình quân là 1.833.333 đồng/tháng, cao nhất là 5.000.000 đồng/tháng, mức thấp nhất là 1.000.000 đồng/tháng.

31 Doanh nghiệp ngoài nhà nước dự kiến thưởng Tết Âm lịch bình quân là 4.908.307 đồng/tháng, mức cao nhất là 41.600.000 đồng/tháng, mức thấp nhất là 500.000 đồng/tháng

65 Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự kiến thưởng Tết Âm lịch bình quân là 7.320.407 đồng/tháng, mức cao nhất là 260.000.000 đồng/tháng, mức thấp nhất là 100.000 đồng/tháng.

"Ngoài kế hoạch thưởng Tết Âm lịch có hơn 60 doanh nghiệp dự kiến tặng giỏ quà Tết cho người lao động với giá trị từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng/giỏ; 61 doanh nghiệp dự kiến tổ chức tiệc tất niên toàn Công ty; 42 doanh nghiệp dự kiến tổ chức khen thưởng lao động xuất sắc năm 2022 trước Tết Âm lịch; 13 doanh nghiệp dự kiến hỗ trợ người lao động ở xa một phần kinh phí về quê ăn Tết; 10 doanh nghiệp hỗ trợ xe ô tô đưa lao động ở xa về quê ăn Tết", ông Dũng nói.