Thanh Hóa:

Hơn 15 nghìn lao động ngành du lịch Thanh Hóa mất việc vì dịch Covid-19

Bình Minh

(Dân trí) - Sau hơn 2 năm dịch Covid- 19 xuất hiện, tỉnh Thanh Hóa có cả nghìn doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng điêu đứng, hơn 15 nghìn lao động ngành này bị mất việc làm.

Khách sạn đóng cửa, nhân viên nghỉ việc hàng loạt.

Xây xong khách sạn vào cuối năm 2019 thì đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn ra. Từ đó đến nay, số lần mở hoạt động của khách sạn gia đình chị Phạm Thị Nguyệt (thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) tính trên đầu ngón tay.

Từ đón khách lẻ tẻ, cầm chừng cho đến phải dừng hẳn, 25 nhân viên phục vụ ở đây buộc phải nghỉ việc.

"Đợt 30/4 vừa rồi, khách đặt kín phòng nhưng sau đó dịch bùng phát, họ dừng hết, chúng tôi phải hoàn lại cho khách. Cũng từ thời điểm đó đến nay, không còn có thể hoạt động được nữa", chị Nguyệt nói.

Hơn 15 nghìn lao động ngành du lịch Thanh Hóa mất việc vì dịch Covid-19 - 1

Chị Phạm Thị Nguyệt, Chủ một khách sạn ở thành phố Sầm Sơn cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của gia đình.

Bà chủ khách sạn này cũng cho biết, hiện gia đình đang vay hơn chục tỷ đồng, mỗi tháng phải xoay xở tiền đóng lãi của gói vay ngắn hạn, 6 tháng phải đáo hạn một lần. Còn gói vay trung hạn thì ngân hàng cho dồn gốc và lãi hàng tháng đến 31/12.

"Tình hình dịch như thế này, không hoạt động được, đến lúc đó cũng không biết phải lấy đâu tiền để trả. Người dân ở đây chỉ trông chờ vào du lịch mà giờ không làm du lịch không biết làm nghề gì để sống", chị Nguyệt tâm sự.

Do dịch phức tạp, các cơ sở lưu trú tại các khu du lịch gần như cắt giảm toàn bộ nhân viên, đóng cửa khách sạn trong tình hình hiện nay không chỉ diễn ra ở một vài khách sạn.

Hơn 15 nghìn lao động ngành du lịch Thanh Hóa mất việc vì dịch Covid-19 - 2

Thành phố Sầm Sơn đìu hiu mùa du lịch.

Theo ghi nhận, đây là thực trạng chung ở hầu hết khách sạn tại các khu du lịch biển như: Sầm Sơn, Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)...

Hơn 15 nghìn lao động ngành du lịch mất việc

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 700 doanh nghiệp du lịch và hơn 300 hộ kinh doanh cá thể. Do tình hình dịch Covid-19 bùng phát, đã có 2 doanh nghiệp lữ hành và 16 cơ sở lưu trú du lịch đăng ký tạm dừng hoạt động; còn lại đa phần các doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng.

Gần 700 cơ sở lưu trú tại các khu du lịch biển đã đóng cửa; các đơn vị kinh doanh lĩnh vực lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách du lịch đạt doanh thu thấp; lĩnh vực lữ hành không có doanh thu…

Hơn 15 nghìn lao động ngành du lịch Thanh Hóa mất việc vì dịch Covid-19 - 3

Nhà hàng, khách sạn đóng cửa, hàng loạt nhân viên mất việc vì không có khách.

Tính sơ bộ trong 6 tháng đầu năm, công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 20 đến 30% và giảm gần 50% so với những năm trước khi có dịch. Đáng nói hơn, các doanh nghiệp lữ hành chịu áp lực rất lớn trong việc bồi hoàn tiền do hủy tour, lùi tour.

Thống kê 6 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 khiến hơn 15.000 lao động ngành du lịch trong toàn tỉnh bị mất việc làm .

Theo bà Vương Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, đặc biệt từ đầu tháng 5 đến nay khiến du lịch Thanh Hóa thực sự kiệt sức. Bởi vậy, bên cạnh giải pháp cấp bách, cũng cần tính đến chiến lược dài hơi, hậu Covid-19.

Cũng theo bà Yến, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực du lịch như: Giảm giá tiền điện cho các đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch; giảm phí, lệ phí đối với các thủ tục hành chính cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch và nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất vay ngân hàng... 

Và mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

"Với những gói chính sách hỗ trợ cụ thể này, Chính phủ đã kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch; tạo thêm niềm tin, sức mạnh để doanh nghiệp và người lao động vượt qua những khó khăn trước mắt.

Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động và giữ người lao động yên tâm gắn bó với nghề, sẵn sàng khởi động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Đây chính là kỳ vọng của chúng đối với sự phát triển của ngành du lịch khi các cơ chế chính sách của Chính phủ được thực thi", Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định.