1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Học sinh nước ngoài ở lại Việt Nam làm việc, giấy phép lao động ra sao?

Xuân Trường

(Dân trí) - Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM băn khoăn về việc tiếp nhận du học sinh nước ngoài đến doanh làm việc có phải xin giấy phép lao động, quy trình xin giấy phép lao động thế nào?

Đại diện phòng nhân sự của Công ty TNHH Chuỗi cung ứng tiếp vận M.K. (quận Phú Nhuận, TPHCM) chia sẻ, thời gian qua công ty có tiếp nhận người lao động là các sinh viên Lào sang Việt Nam học theo chương trình hợp tác giữa một số tỉnh biên giới.

"Sau khi học xong, lấy bằng đại học Luật do Việt Nam cấp, các cử nhân này muốn vào làm việc tại doanh nghiệp cần làm gì, có được miễn giấy phép lao động?", đại diện Công ty M.K. thắc mắc.

học-nghe_Xuan-Truong

Người nước ngoài sang học tập và đã được cấp bằng của Việt Nam khi tham gia làm việc tại doanh nghiệp thuộc diện phải xin giấy phép lao động (Ảnh: Xuân Trường).

Giải đáp nội dung này, Sở LĐ-TB&XH TPHCM nêu rõ, khoản 10, Điều 7 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định "Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam" thuộc trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Theo đó, đối với trường hợp người nước ngoài sang học tập và đã được cấp bằng của Việt Nam khi tham gia làm việc tại doanh nghiệp không thuộc trường hợp nêu trên.

"Do đó, doanh nghiệp vẫn thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 9 Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

Đối với bằng cấp do trường đại học tại Việt Nam cấp thì không phải thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự", Sở LĐ-TB&XH nêu rõ.