Học nâng cao trình độ: Con đường nhiều gập nghềnh của nữ giới

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhận được học bổng đi du học thạc sĩ ở Anh nhưng sau thời gian cân nhắc, chị Loan phải từ bỏ cơ hội vì đối mặt với nhiều định kiến và gia đình không ủng hộ.

Nhiều định kiến cản trở

Nhìn nhiều chị em thăng tiến trong sự nghiệp, chị Lê Thanh Loan - nhân viên làm việc tại một khách sạn ở TPHCM - không khỏi nuối tiếc. Ra trường không lâu, với khả năng và nỗ lực của bản thân, chị được cân nhắc vào vị trí trưởng phòng. 

Thời gian sau, khi đã có chồng và một con nhỏ, chị giành học bổng học Thạc sĩ ở Anh. Lúc đầu chị dự tính, sẽ tạm thời xin nghỉ việc, thu xếp nhờ chồng, ông bà chăm sóc con trong thời gian mình đi học. 

Học nâng cao trình độ: Con đường nhiều gập nghềnh của nữ giới - 1

Gánh nhiều trọng trách, phụ nữ gặp những khó khăn trong việc học cao (Ảnh minh họa)

Vậy nhưng, không một ai trong gia đình thật sự ủng hộ dự định của chị, kể cả bố mẹ ruột. Ai cũng nói, chị có công việc ổn định, thu nhập tốt, gia đình không áp lực về kinh tế, cần gì phải... học lên, học cao.  

Bố mẹ chồng nói, sau này gia sản cũng để lại cho vợ chồng chị, họ không mong chờ con dây phải làm bà này, bà nọ, kiếm được nhiều tiền. Trách nhiệm của chị là chuẩn bị sinh đứa thứ hai. 

Chị Nguyễn Bảo Trâm, Phó chủ tịch Chiến lược và Kế hoạch Tăng trưởng Người dùng tại một Sàn thương mại điện tử, chia sẻ: "Việc đi du học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) giúp tôi trở nên tự tin hơn và tạo ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng. Tôi có thể hoàn thành tốt hơn công việc của mình và có nhiều cơ hội thăng tiến...".

Tuy nhiên, chị thừa nhận để có thể theo đuổi việc học, với phụ nữ khó khăn hơn rất nhiều vì họ có những vướng bận về gia đình, con cái, không phải ai cũng nhận được sự ủng hộ. 

Vợ chồng chị bắt đầu có những mâu thuẫn, xung đột. Anh trách chị là người phụ nữ tham vọng, không đặt gia đình, chồng con lên trên hết. Nếu chị quyết tâm đi học, hai người sẽ phải tính đến chuyện ly hôn... 

Nhìn cô con gái 4 tuổi, tuổi đang rất cần mẹ, chị Loan từ bỏ cơ hội. Chị theo học thạc sĩ ở trong nước nhưng rồi cũng đang bảo lưu do sinh con thứ hai.

Trong lần chia sẻ về phụ nữ học lên cao tại một chương trình du học, nhiều chị em chia sẻ, nếu việc học lên với đàn ông khá dễ dàng thì phụ nữ phải cân nhắc, phải tự thu xếp, cân đối... rất khó tìm sự hỗ trợ. Chưa kể, còn bị phản đối, ngăn cản vì mặc định phụ nữ không cần học nhiều, phụ nữ để lo việc nhà. 

Trong gia đình, người chồng đi học, mặc nhiên vợ lo cho con. Nhưng ngược lại, khi vợ đi học, thì phần lớn chính người vợ cũng phải tự tìm cách sắp xếp. Có người xong việc ở công ty, việc nhà rồi lại bế con lên lớp.

Gánh nhiều trọng trách 

Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM kể, hôm trên đường đi làm về, cô nhìn thấy băng rôn ngày 8/3 về thông điệp phụ nữ ngày nay không ngừng học tập, nâng cao trí tuệ...

Nội dung có thể nói là tiến bộ nhưng để phụ nữ có thể theo đuổi con đường nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nhưng theo cô còn gian nann vô cùng vì còn gánh những ti tỉ việc khác. Như bản thân cô, chỉ cần đề nghị là "em sẽ đi học nữa nha" thì cả nhà sẽ đều phản đối.

Học nâng cao trình độ: Con đường nhiều gập nghềnh của nữ giới - 2

Nhiều chị em phải đánh đổi khi muốn học lên cao (Ảnh minh họa)

Trên thực tế người đàn ông hết giờ làm việc, vẫn còn tiếp nối những hoạt động khác trên danh nghĩa là "công việc". Ít người đặt câu hỏi con của họ sinh ra sao tự nhiên nó lên lên lên được và thành người hay không khi mà họ gần như không ở nhà và người vợ bây giờ cũng kiếm tiền lo cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, nhân viên tư vấn tại một doanh nghiệp bất động sản cho biết, chị ra trường đi làm, lấy chồng, sinh con là cuộc sống gần như chỉ còn quanh quẩn từ cơ quan về nhà. 

"Ngoại trừ việc sinh con phụ nữ, việc bếp núc và hàng tỉ việc khác của gia đình, đàn ông cũng làm được chứ không nhất định chỉ có phụ nữ phải làm", một nữ giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ.

Sáng lo cho con đi học, chiều về ghé siêu thị, nhà cửa bếp núc, lo cho chồng con, kèm con học, nhìn con nhìn chồng thiếu gì, cần gì... là hết thời gian. Chị theo một vài lớp online nâng cao chuyên môn nhưng bữa được bữa mất.

Đến bạn bè có khi hẹn nhau đi cà phê, gặp gỡ, giao lưu chỉ một vài tiếng có khi còn không thu xếp được. Trong khi, chồng chị và nhiều quý ông khác, có thể gặp nhau hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Chưa kể các mối quan hệ hai bên nội ngoại, anh em họ hàng... gì cũng đến tay. Nên việc học để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp với chị trở nên xa vời.

Tỷ lệ nữ giới có trình độ ngày càng tăng nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Nhiều chị em có đủ năng lực, khát khao, trình độ nhưng gặp không ít cản trở khi học lên cao. Hoặc để theo đuổi con đường học hành, họ phải đánh đổi rất nhiều thứ. 

Chưa kể, theo một chuyên gia xã hội học, xuất phát từ những định kiến, phụ nữ không cần học nhiều, phụ nữ lo việc nhà... họ không chỉ khó khăn trong quá trình học nâng cao. 

Có trường hợp, học xong phải "ém bằng" ở nhà "làm vợ" vì không được gia đình, chồng con ủng hộ hoặc không thể cân bằng công việc cơ quan hay việc nhà. 

Bà Trịnh Thị Thúy Liên, Nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ, khoa Giáo dục và Giáo dục Sau đại học, Đại học Otago, New Zealand chia sẻ, sang nước ngoài học tập, bà nhận thấy giáo dục của họ rất chú trọng đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Điều này rất quan trọng đối với các nghiên cứu sinh, sinh viên cao học khi họ có gia đình. Nhà trường và các thầy cô hướng dẫn dành nhiều sự hỗ trợ để sinh viên (đặc biệt là sinh viên quốc tế) có thể hoàn thành được khóa học mà vẫn có thời gian cho gia đình.