Sếp nữ dễ bị "soi", nỗ lực vượt khó để được công nhận

(Dân trí) - Do những định kiến còn tồn tại và đặc điểm giới, phụ nữ khi làm sếp sẽ phải đối mặt với các áp lực và dễ bị "soi" hơn so với nam giới.

Nỗ lực nhiều hơn nam giới

Sau hơn 10 năm làm việc chăm chỉ, gặt hái được nhiều kết quả, học lên thạc sĩ, nhưng chị được cân nhắc lên giám đốc thông của một ngân hàng tại TPHCM, chị N.T.H vẫn gặp rất nhiều áp lực.

Thậm chí những ưu thế của chị như tự tin, giỏi giao tiếp, khéo ăn nói, có nhan sắc có khi bị bàn tán theo cách nhìn tiêu cực như nhờ giỏi quan hệ, nhan sắc.    

Để có thể làm tốt công việc trong nhiều năm qua, chị H. cho biết, không hề dễ dàng khi là nữ giới. Khả năng khó được công nhận, các ý tưởng, đề xuất cũng hay bị hoài nghi.

Nhiều nhân viên nam, nhất là những người mang định kiến giới, họ rất khó thừa nhận năng lựa của phụ nữ, dù họ ở vị trí, thể hiện ra sao. Có người còn thể hiện thái độ "phụ nữ là vậy" trong khi giải quyết công việc. Và chính nhân viên nữ, nhiều người cũng có phần e ngại với sếp nữ hơn với sếp nam.

Chị N.T.H bảy tỏ sếp nữ thường gặp khó khăn trước những quyết định quan trọng. Nếu sếp nam có thể chỉ quan tâm đến kết quả, đích đến thì người phụ nữ thường có quá nhiều lo lắng như làm như vậy tác động thế nào, ảnh hưởng đến người này người kia ra sao, làm sao để dung hòa...

Sếp nữ dễ bị soi, nỗ lực vượt khó để được công nhận - 1

Nữ giới chấp nhận nỗ lực rất nhiều khi đảm nhận vị trí sếp (Ảnh minh họa)

Khi họ quyết đoán, đúng nguyên tắc có thể bị đánh giá là độc đoán, chuyên quyền. Nhưng nếu mềm lòng lại rất khó tránh việc quản lý theo cảm xúc. Có những sự việc qua sếp nữ khó được giải quyết dứt điểm xuất phát từ việc họ thường bị đấu tranh giữa lý và tình.

Chị Lê Thanh Thảo, phòng kinh doanh tại một công ty thực phẩm TPHCM, vẫn hay nói với mọi người, việc khó đến đâu chị cũng làm được, trừ việc làm sếp.

Chị nói như vậy từ những trải nghiệm, quan sát của mình từ khi đi làm. Làm sếp nam đã cực, làm sếp nữ còn áp lực hơn nhiều. Họ không chỉ lo công việc mà thường quan tâm đến đời sống, tâm tư nhân viên. Nếu không khéo hoặc gặp người không hiểu là kiểu gì cũng mang tiếng "soi" chuyện đời tư ngay.

Rồi dường như, phụ nữ giỏi có thể bị xem là do may mắn, phụ nữ giỏi đàn ông nể nhưng cũng e dè, còn chị em thì dễ ghen tỵ.

Chấp nhận đánh đổi nhiều thứ

"Làm quản lý, người nữ phải đánh đổi nhiều thời gian dành cho chồng con, gia đình, các niềm vui của bản thân. Dù họ cố gắng nhiều thì vẫn khó được công nhận hơn", chị Thảo bày tỏ.

Chị Thảo cho biết, nhân viên như chị, làm hết giờ là về với chồng con thì sếp chị, một phụ nữ 45 tuổi phải thường xuyên đi công tác, họp hành, lo dự án, tìm khách hàng, lo thu nhập cho nhân viên.

Đặc biệt, sếp nữ lại thường bị "soi" nhiều nhất trong ứng xử, đi đứng, ăn nói. To tiếng thì mất điểm, nói nhỏ nhẹ nhân viên dễ "lờn", lại thêm tiếng không quyết đoán.

Sau này, có trải nghiệm, tiếp xúc nhiều, anh Đương mới hiểu phần nào về đặc tính, mong muốn của sếp nữ. Họ bị áp lực nhiều mặt, lại cầu toàn, luôn phải thể hiện mình hoàn hảo.

Từng từ chối việc vì sếp nữ, anh Nguyễn Văn Đường - nhân viên marketing tại một công ty tại TPHCM - không biết có định kiến giới không nhưng đã có lần từ chối nếu sếp là nữ.

Trước đây, anh đã từng làm việc với một vài sếp nữ. Dù không mâu thuẫn hay ghét bỏ gì nhau nhưng lúc đó với anh, anh không dễ làm việc.

Trong công việc, có người ít tin tưởng, không thừa nhận năng lực của người khác. Có người hay đôi co, nhiều khi việc không đáng cũng bắt anh em ngồi nghe cả tiếng, kể cả ngoài giờ.

Họ có những lợi thế là không cứng nhắc, dễ tiếp nhận những đổi mới. Và đặc biệt, nhân viên có nhiều cơ hội để "sửa mình" vì sếp nữ dễ mủi lòng, tình cảm, hay nương tay trước nhiều vấn đề.

"Làm việc với một số sếp nữ phải năng thân thiết, hiểu về nhu cầu của sếp như chịu khó chụp hình, đi ăn, tám chuyện; lắng nghe, hưởng ứng, hiểu về tâm tư của sếp, biết khen ngợi. Và nếu nhân viên thể hiện quan điểm sống khác sếp thì rất dễ bị khó chịu, chứ không chỉ làm việc giỏi là xong việc", Quỳnh Anh, biên tập viên một nhà sách, hài hước nhận xét.

Theo cô, làm việc với sếp nữ có rất nhiều thứ hay ho là bên cạnh công việc, sếp nữ quan tâm đến nhiều vấn đề trong đời sống, thích sự tương tác, gắn bó. Thành ra, nếu cùng nhận nhận tích cực, môi trường làm việc dễ kết nối với nhau, mọi người có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống...

Nên thấu hiểu sếp nữ

Theo Quỳnh Anh, cô chỉ nói trên bình diện chung chứ không "vơ đũa cả nắm". Có những sếp nữ rất hay và có sếp nam cũng rất tệ. Quỳnh Anh đang làm việc với một sếp nữ 3 năm nay. Mọi việc rất ổn.

Chưa hẳn tất cả các sếp nữ đều khó tính và gây ác cảm tới nhân viên. Nhiều ý kiến cũng khẳng định, không thiếu các sếp nữ thực sự sả thân, chia sẻ tới nhân viên. Thậm chí còn bao bọc, ôm đồm cả công việc của nhân viên, coi nhân viên như những "em út" trong gia đình mình.

Không ít khảo sát, nghiên cứu chỉ ra, sếp nữ chưa được chào đón như sếp nam không chỉ bởi nhân viên nam mà ngay với cả nhân viên nữ. Điều này ngoài những định kiến, góc nhìn thì theo các chuyên gia, còn xuất phát từ đặc điểm giới.

Một số hạn chế của sếp nữ thường được đề cập như tâm trạng thất thường, thiếu nỗ lực, tự cao tự đại, ganh tỵ... Ít nhiều, khi ở vị trí sếp, người nữ gặp những khó khăn nhất định. Với những gánh nặng đối với phụ nữ, họ phải gánh vác nhiều thiên chức, trọng trách như mang thai, sinh con, chăm chồng con, gia đình, các mối quan hệ... khó tránh tác động đến công việc.

Ngoài việc người nữ cần có những cải thiện, điều chỉnh khi ngồi ở chiếc ghế quản lý, để họ hoàn tốt công việc, không thể thiếu sự thấu cảm, sẻ chia, hỗ trợ từ gia đình, từ nhân viên và cả cấp trên.

Hoài Nam