Hỗ trợ lắp thiết bị giám sát tàu cá nguy cơ cao "mất tích" trên biển
(Dân trí) - Tỉnh Bình Định đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 148/218 tàu. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng, trong đó mỗi tàu là 10 triệu đồng.
Ngày 27/9, kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua chính sách hỗ trợ về kinh phí mua sắm, lắp đặt, trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m, hoạt động nghề câu mực, thường xuyên di chuyển ngư trường tại các tỉnh phía Nam.
Chính sách này, nhằm thực hiện tốt việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết toàn tỉnh có 218 tàu dài từ 12m đến dưới 15m, hoạt động nghề câu mực di chuyển vào các ngư trường phía Nam, trong đó tập trung nhiều ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Phúc, từ đầu năm 2024 đến nay, tàu vi phạm vùng biển nước ngoài đa phần thuộc nhóm tàu này.
"Chúng ta phải xác định đây là một trong những đối tượng có khả năng vi phạm vùng biển nước ngoài rất là lớn. Đến nay, Bình Định đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 148/218 tàu, kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/tàu", ông Phúc nói.
Đại tá Phan Trường Sơn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, cho hay chính sách hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là cho tàu cá của ngư dân Bình Định, tuy nhiên trên thực tế có những tàu cá mang số hiệu Bình Định nhưng đã bán ra ngoài tỉnh, chủ tàu không phải là người Bình Định.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, trên thực tế số tiền hỗ trợ này không lớn, 218 tàu cá với hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là việc rất bức xúc và cần thiết, để Bình Định chung tay gỡ thẻ vàng IUU.
"Đây không phải là vấn đề kinh tế, mà liên quan đến danh dự của quốc gia, uy tín của đất nước. Giờ tàu chúng ta mà đi xâm phạm lãnh thổ của nước khác thì sẽ ảnh hưởng uy tín của đất nước", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Theo ông Dũng, tháng 10, EU sẽ cử đoàn kiểm tra thứ 5 sang Việt Nam, 4 đoàn kiểm tra trước đó đều đánh giá chưa đạt, còn vi phạm. Trong đó, Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau là 3 địa phương vi phạm nhiều nhất.
Bí thư Bình Định cũng thông tin thêm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao cho Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng thẩm phán ban hành Nghị quyết 04 áp dụng trên phạm vi cả nước, về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.
"Đây là việc làm chưa từng có, tức là không dừng lại ở xử lý hành chính nữa, mà nâng lên xử lý hình sự, đối với 8 hành vi vi phạm. Trong đó, ngư dân xâm phạm lãnh hải, đánh bắt trái phép, gỡ thiết bị giám sát hành trình gửi cho tàu cá khác, đều bị xử lý hình sự…", ông Hồ Quốc Dũng nói.