Hệ lụy từ việc giới trẻ kiếm cả triệu USD nhờ clip sốc, phản cảm

Nhiều người đã giật mình khi biết Khá "bảnh" có thể thu về gần 20.000 USD mỗi tháng nhờ vào kênh YouTube. Không riêng Việt Nam, nhiều người trẻ thế giới cũng tìm cách làm giàu nhờ mạng internet.

Nhiều người đã giật mình khi biết Khá "bảnh" có thể thu về gần 20.000 USD mỗi tháng nhờ vào kênh YouTube. Không riêng Việt Nam, nhiều người trẻ thế giới cũng tìm cách làm giàu nhờ mạng internet.

Lợi nhuận khổng lồ từ các video của Khá "bảnh" khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhưng câu chuyện kiếm tiền từ mạng internet vốn dĩ không phải là câu chuyện mới của những người trẻ tuổi.

Bỏ Samsung để làm video trên YouTube

Theo New York Post, ở Hàn Quốc, ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm kiếm tiền bạc từ việc xây dựng các clip trên mạng.

Yoon Chang Hyun nhận được khoảng 58.000 USD mỗi năm nhờ làm việc tại tập đoàn Samsung. Đây là mức thu nhập cao ở Hàn Quốc.

Nhưng năm 2015, Yoon Chang Hyun đã đưa ra quyết định táo bạo: bỏ việc, mở kênh YouTube riêng. Quyết định của anh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ gia đình. Cha mẹ Yoon khuyên con nên tỉnh táo trước khi quyết định.

Hệ lụy từ việc giới trẻ kiếm cả triệu USD nhờ clip sốc, phản cảm - 1

Yoon Chang Hyun bỏ Samsung để làm video trên YouTube
 

Nhưng Yoon Chang Hyun nói anh chán nản với những công việc lặp lại hàng ngày, làm thêm, ca kíp và khó thăng tiến ở tập đoàn.

Ở Hàn Quốc, giới trẻ nước này đã không còn lao đầu vào các công ty lớn. Làm video trên YouTube trở thành nghề hot. Các khóa học về YouTube cũng được mở rộng tại quốc gia này. Theo NYP, Vlogger YouTube là nghề hấp dẫn với các bạn trẻ tiểu học ở Hàn Quốc, bên cạnh ngôi sao thể thao, giáo viên, bác sĩ và và đầu bếp.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế có tốc độ tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, YouTube hay các trang mạng chia sẻ là nơi làm việc lý tưởng.

Thống kê từ Forbes vào năm 2017 cho thấy các YouTuber có thể thu về hàng triệu USD một năm nếu đạt tỷ lệ người xem lý tưởng. Chàng trai người Anh tên Daniel Middleton nhận được 16,4 triệu USD trong năm 2017 nhờ vào các clip hướng dẫn trải nghiệm trò chơi hot từ di động. Khi đó, kênh của Dan có hơn 16 triệu người theo dõi và 10 tỷ lượt xem.

Tại Trung Quốc, quốc gia không sử dụng phổ biến YouTube, các trang mạng như Youku, QQ cũng giúp các bạn trẻ thu về thù lao đáng nể. “Ở góc độ nào đó, những người tạo ra các clip được gọi là nghệ sĩ kiếm tiền”, Sina nhận định.

Phản cảm, gây tranh cãi và tội ác để kiếm tiền từ mạng

Các kênh mạng dễ đem lại nguồn thu lớn đồng nghĩa với đó là yêu cầu độc đáo, sốc để gây chú ý được chú trọng. Một chuyên gia trong lĩnh vực này thừa nhận: “Người tạo clip ở YouTuber không phải là nghệ sĩ nổi tiếng đại chúng. Vì thế, để được chú ý, bước đầu tiên của họ là rất khó khăn”.

Logan Paul sinh năm 1995 tại Mỹ. Paul theo học chuyên ngành kỹ thuật tại ĐH Ohio trước khi quyết định bỏ ngang việc học vào năm 2014. 19 tuổi, Paul Logan trở thành chủ một kênh giải trí mang tên mình. Với Vine, Paul Logan sở hữu khoảng 3,1 triệu người theo dõi. Các video tổng hợp của Paul Logan trên Vine đăng tại YouTube ngày càng hút người xem. Anh chàng thường sản xuất các video câu chuyện hài hước có kịch bản. Năm 2017, Paul kiếm được 12,5 triệu USD nhờ YouTube.

Hệ lụy từ việc giới trẻ kiếm cả triệu USD nhờ clip sốc, phản cảm - 2

Năm 2017, Logan Paul kiếm được 12,5 triệu USD nhờ YouTube

Nhưng sự hài hước không mang lại thành công kéo dài cho Logan. Năm 2018, anh bị chỉ trích sau video cười cợt bên xác chết một người tự tử ở Nhật Bản. Cư dân mạng đồng loạt lên án những clip tiêu cực trước đó của Logan như chích điện vào chuột chết. YouTube sau đó gỡ bỏ clip tranh cãi, Logan lên tiếng xin lỗi. YouTube còn ra thông báo ngưng phát quảng cáo trên các clip của Logan.

Cùng với đó, Logan còn đối diện với tai nạn nghề nghiệp khi thực hiện những pha hành động mạo hiểm trong clip tranh cãi. Năm 2017, anh này nhập viện với chấn thương vùng sinh dục sau khi bị ngã khi quay clip.

Theo The Sun, hôm 27/3, một phụ nữ sống ở bang Arizona (Mỹ) tên Machelle Hobson bị bắt vì bạo hành trẻ em. Người phụ nữ này sở hữu kênh YouTube cá nhân, đăng các clip trẻ em và có hơn 700.000 người theo dõi. Khi video không đạt tỷ lệ người xem lý tưởng, những đứa trẻ tham gia clip sẽ bị bạo hành, đánh đập hoặc tắm trong nước lạnh giữa mùa đông. Có 5 em bé dưới 10 tuổi đã bị đối xử như những nô lệ dưới tay Machelle Hobson.

Năm 2017, Trung Quốc chấn động với vụ thanh niên 23 tuổi tên Ngô Vịnh Ninh tử vong sau khi thực hiện hàng chục lần chống đẩy từ tầng 62 một tòa nhà. Ngô Vịnh Ninh leo trèo biểu diễn trên tầng thượng các tòa nhà, tự ghi lại các cảnh quay và sau đó đăng tải lên mạng. Ngô Vịnh Ninh sử dụng kênh cá nhân mang tên Cực hạn. Mỗi clip đối diện sinh tử giúp Ngô Vịnh Ninh thu về khoảng 100.000 NDT (khoảng 350 triệu đồng) tùy lượt truy cập.

Vai trò của giáo dục và hướng nghiệp với giới trẻ

Tại Trung Quốc, cái chết của Ngô Vịnh Ninh khiến các cơ quan giáo dục, hướng nghiệp trở thành “điểm nóng”. Cư dân mạng trách sự thiếu hiểu biết của Ngô Vịnh Ninh, họ cũng cho rằng cái chết của thanh niên này đến từ tỷ lệ thất nghiệp cao ở Trung Quốc. Tại quốc gia tỷ dân, việc cố bằng được vào các trường đại học danh giá là chìa khóa ban đầu giúp thanh niên trẻ có thể tìm được công việc tốt và có thu nhập. Phần còn lại, nhiều thanh niên chịu cảnh thất nghiệp, tự bươn chải và không có người hướng nghiệp định hướng rõ ràng.

Hệ lụy từ việc giới trẻ kiếm cả triệu USD nhờ clip sốc, phản cảm - 3

Ngô Vịnh Ninh tử vong sau khi thực hiện hàng chục lần chống đẩy từ tầng 62 một tòa nhà
 

“Tôi không tốt nghiệp trường đại học danh tiếng, không đẹp trai để làm diễn viên. Cái tôi có là sự nhanh nhẹn, dẻo dai. Tôi có thể làm diễn viên đóng thế nhưng thù nhập quá ít ỏi”, Ngô Vịnh Ninh nói khi lựa chọn nghề quay video mạo hiểm trên Weibo.

Giới chức Hàn Quốc thừa nhận khi các công ty lớn đang quá tải lao động, cường độ làm việc cao thì những kênh tìm việc mới là đích đến của nhiều người trẻ.

Bên cạnh những video nội dung tốt, chia sẻ bí kíp cuộc sống, làm việc và thậm chí… dạy học trực tuyến, hàng trăm kênh mạng bị tuýt còi vì nội dung phản cảm, ảnh hưởng xấu sự phát triển về tư duy và tâm lý của giới trẻ.

Một trường tiểu học ở Nam Ninh (Trung Quốc) xác nhận nhiều bé trai xông vào đánh nhau và hét lớn như những chiến binh vì muốn trở thành anh hùng. Một số bé trai khác tâm sự về mong muốn giàu có chóng vánh như những thần tượng mạng xã hội.

“Thế hệ này tiếp nối thế hệ sau phát triển lệch lạc, đây là một vấn đề của ngành giáo dục và các cơ quan phát hành video trên mạng”, trang Sina nhấn mạnh.

Từ năm 2017, Cục Báo chí Xuất bản Trung Quốc yêu cầu cấm hoạt động livestream trên các nền tảng trực tuyến lớn như Weibo, ACFUN và Ifeng. Những người đăng clip phản cảm sẽ bị gỡ bỏ và phạt hành chính ở mức nặng, thậm chí bỏ tù vì tội danh “phát tán văn hóa phẩm không phù hợp, ảnh hưởng xấu tới xã hội”.

Theo Hà Thanh/Vietnamnet.vn