Phú Yên: Phụ nữ ở làng nước mắm truyền thống giúp nhau khởi nghiệp
(Dân trí) - Để phát huy danh tiếng làng nghề nước mắm truyền thống Mỹ Quang (xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), nhiều chị em phụ nữ ở đây đã tham gia tổ liên kết sản xuất, nhằm mục đích cùng chung sức hỗ trợ nhau sản xuất, quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường và tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ khác trên địa bàn.
Làng nghề nước mắm truyền thống Mỹ Quang là một trong những làng nghề có “tên tuổi” ở tỉnh Phú Yên. Hiện làng nghề có 20 hộ chế biến nước mắm ở quy mô hộ gia đình.
Hầu hết chủ các hộ kinh doanh nước mắm đều là phụ nữ. Bình quân, mỗi năm làng nghề xuất bán ra thị trường khoảng 1 triệu lít nước mắm.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” theo Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Chấn đã vận động các hộ gia đình sản xuất mắm nhỏ lẻ ở làng nghề Mỹ Quang tham gia tổ liên kết sản xuất. Đây cũng là mô hình điểm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên”.
Khi tham gia tổ liên kết, các chị được vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ nhãn mác, bao bì theo tiêu chuẩn; trao đổi kinh nghiệm sản xuất; chia sẻ thị trường tiêu thụ…
Là một trong những thành viên tổ phụ nữ liên kết sản xuất mắm ở Mỹ Quang, bà Nguyễn Thị Nữ cho biết: Gia đình đã có 25 năm trong nghề chế biến nước mắm. Nhưng do chưa có nhãn hiệu và phát triển thị trường nên nước mắm của gia đình chủ yếu bán ở các chợ truyền thống.
Khi tham gia tổ liên kết, các chị được vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ nhãn mác, bao bì theo tiêu chuẩn; trao đổi kinh nghiệm sản xuất...
“Khi vào tổ liên kết sản xuất do Hội Liên hiệp phụ nữ xã tổ chức, công việc của gia đình có thuận lợi nhiều hơn khi được chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ. Mỗi năm khoảng 2.000 lít đến 3.000 lít. Chất lượng nước mắm được nâng lên và có đầu ra ổn định giúp gia đình có thêm thu nhập…” bà Nữ chia sẻ.
Còn bà Huỳnh Thị Tâm, người có thâm niên chế biến mắm hơn 40 năm ở làng nghề này chia sẻ: “Ngày trước nước mắm ở làng chỉ làm xong rồi đóng chai bán. Nhưng bây giờ phải đảm bảo đủ các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cá phải tươi, muối phải sạch... Mắm thành phẩm được kiểm định độ đạm, có dán nhãn mác rồi mới được bán ra thị trường…
Những điều căn bản này, tôi đều chia sẻ cho chị em trong hội, để ai cũng phải đặt các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng lên hàng đầu, từ đó cùng nhau phát triển tên tuổi mắm Mỹ Quang được nhiều người biết đến. Qua đó, tạo nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ trong vùng”.
Nước mắm truyền thống Mỹ Quang được kiểm tra chất lượng chặc chẽ trước khi đưa ra thị trường
Nghề chế biến nước mắm truyền thống ở Phú Yên giờ đây không chỉ dừng lại là giải quyết công việc lúc nông nhàn mà đang được định hướng để phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Cách làm đơn lẻ đã không còn phù hợp. Chính vì vậy ở làng nghề Mỹ Quang, chị em phụ nữ tìm cách gắn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất là một xu thế tất yếu.
Chị Lê Thị Như Nguyện, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Chấn, huyện Tuy An cho biết: “Với vai trò là nơi tập hợp phụ nữ nên Hội Phụ nữ xã An Chấn đã quyết tâm thực hiện mô hình giúp chị em ở làng nghề nước mắm truyền thống Mỹ Quang khởi nghiệp. Điều mong muốn lớn nhất là giữ nghề truyền thống và các chị có thể làm giàu từ chính công việc này.
Qua 2 năm triển khai mô hình đã mang lại hiệu quả khi thị trường tiêu thụ nước mắm được mở rộng ra các tỉnh lân cận của Phú Yên như: Đắc Lắc, Gia Lai, Khánh Hòa. Đáng mừng là mắm Mỹ Quang không chỉ được bán ở các chợ truyền thống mà hiện đã được nhập vào siêu thị có uy tín như: Coop mart, các cửa hàng tiện lợi...".
Được biết, bình quân mỗi hộ gia đình khi tham gia tổ liên kết sản xuất đều tiêu thụ được từ 2.000 đến 50.000 lít nước mắm và cho thu nhập từ 50 triệu đồng/hộ/năm trở lên.
Trung Thi