Hậu XKLĐ: Người trở về bấp bênh việc làm

Hơn nửa năm thất nghiệp, bất đắc dĩ Linh đi học nghề để mở tiệm uốn tóc. Linh cho biết, nhiều người trong số gần 30 người chung đoàn tu nghiệp ở Nhật Bản trở về đều không có việc làm ổn định.

Trương Thị Thanh Tâm, ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn - TPHCM, đi tu nghiệp ngành may công nghiệp ở Nhật Bản, về nước vào tháng 6/2004, dành dụm được hơn 400 triệu đồng.

 

Đối với một gia đình nghèo, số tiền này không dễ kiếm. Một phần thu nhập trên Tâm giúp gia đình trang trải nợ nần, chi phí vay mượn trước khi đi; 300 triệu đồng còn lại Tâm mở cửa hàng bán phụ tùng xe gắn máy, thu nhập gần 100.000 đồng/ngày. Anh Nguyễn Văn Lâm ở ấp Trung Bình, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi - TPHCM đi tu nghiệp ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Số tiền dành dụm trên 300 triệu đồng giúp anh lo cho cha mẹ già và mở tiệm cầm đồ, coi như cuộc sống tạm ổn.

 

Ở Hóc Môn, Củ Chi, kể cả ở nhiều nơi khác trong cả nước, nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) như chị Tâm, anh Lâm thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện hơn trước. Nhưng cũng không thiếu các trường hợp... nghèo lại hoàn nghèo sau khi đi XKLĐ trở về. Cao Thị Yến Linh ở ấp Mũi Lớn 1, xã Tân An Hội, Củ Chi đi tu nghiệp ở Nhật Bản, về nước tháng 10/2004. Số tiền dành dụm được khoảng 200 triệu đồng.

 

Ở phạm vi quốc gia và cấp tỉnh thành, chưa có một khảo sát chính thức nào về thực trạng việc làm của người lao động (NLĐ) sau khi đi XKLĐ trở về. Xuất phát từ yêu cầu đó, Công ty DV - XKLĐ & Chuyên gia Suleco triển khai đề tài cấp TP về nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu. Một phần trong đề tài dành cho khảo sát thực trạng việc làm của người đi XKLĐ trở về. Đề tài dự kiến đến tháng 9/2005 hoàn tất.

 

Tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng sơ bộ qua khảo sát 100 lao động của TPHCM và các tỉnh, ông Trần Văn Thạnh, Phó Giám đốc Suleco - chủ nhiệm đề tài, cho biết có đến 80% lao động đi XKLĐ trở về có việc làm bấp bênh hoặc thất nghiệp. Chỉ 20% có việc làm nhưng chủ yếu là tự mở cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ theo kiểu gia đình, ít người tìm được công việc ổn định phù hợp với ngành nghề mình tu nghiệp, làm việc ở nước ngoài.

 

Theo ông Thạnh, trong số những người được hỏi, hầu hết đều cho rằng số tiền tích lũy được đều trang trải nợ nần, chi phí trước khi đi. Về việc làm, không được hỗ trợ việc làm nên làm việc trái nghề, tạm thời hoặc thu nhập thấp phải bỏ việc. Ngoài ra, không có sự quan tâm của các cơ quan chức năng tại địa phương về việc tư vấn, giúp họ sử dụng vốn vay đúng mục đích.

 

Bình quân mỗi năm TPHCM có gần 1.700 lao động đi XKLĐ. Khoảng hơn 80% trong số này tu nghiệp và làm việc trong các nhà máy ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm cả nước có khoảng 45.000 người đi XKLĐ, trong đó khoảng gần 15.000 người làm việc trong các nhà máy. Các số liệu trên cho thấy, nếu sử dụng số lao động này vào làm việc cho các công ty, DN sản xuất trong nước sẽ đạt lợi ích không nhỏ, bởi trường nghề không tốn công đào tạo, DN cũng đỡ tốn tiền đào tạo lại mà NLĐ phát huy được tay nghề chuyên môn sau thời gian tiếp thu công nghệ ở nước ngoài trở về.

 

Điều quan tâm là hiện nay, từ cấp trung ương đến địa phương, chưa có một chính sách dành riêng về hậu XKLĐ. Trong chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm cũng chưa đặt ra giải pháp cụ thể nào về hỗ trợ giải quyết việc làm cho đối tượng này.

 

Ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Công ty DV-XKLĐ & Chuyên gia Suleco:

Giới thiệu làm việc trong các DN Nhật Bản

Theo quy chế tu nghiệp sinh, các nước tiếp nhận lao động luôn khuyến khích người đi tu nghiệp trở về tiếp tục làm việc đúng ngành nghề mà mình đã tu nghiệp và làm việc. Hiện Suleco đang tiến hành rà soát lại số lao động đã về nước để có chính sách hỗ trợ việc làm. Một biện pháp khác mà Suleco đang làm cũng nhận được sự hoan nghênh của các nghiệp đoàn Nhật Bản. Theo đó, 1 hoặc 2 tháng trước khi lao động về nước, Suleco phối hợp với các nghiệp đoàn lập danh sách và trực tiếp sang làm việc với các công ty của Nhật trong và ngoài các KCX-KCN để giúp NLĐ trở về làm việc đúng ngành nghề chuyên môn.

 

 

Theo Duy Quốc

Người Lao Động