Hậu Giang: Ngăn chặn thiên tai tác động tới đời sống an sinh người dân

Phạm Tâm

(Dân trí) - “Hậu Giang phải có kế hoạch phòng chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế xã hội; chủ động ứng phó sạt lở, xâm nhập mặn, dông lốc…” - ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhận định.

Hậu Giang: Ngăn chặn thiên tai tác động tới đời sống an sinh người dân - 1
Quang cảnh buổi làm việc

Tiếp tục chương trình làm việc tại các tỉnh, thành ĐBSCL, sáng 27/8 ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, dẫn đầu đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đến khảo sát, kiểm tra và làm việc với Ban Chỉ huy  phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại tỉnh Hậu Giang.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2020 tới nay, tỉnh có 45 điểm sạt lở, tăng 2 điểm so với năm 2019. Tổng chiều dài các điểm sạt lở là 1.180,5m, diện tích đất mất 5.717,5m2, ước tổng thiệt hại 2,5 tỷ đồng. Giông lốc còn làm sập 64 căn nhà, tốc mái 245 căn, ước tính thiệt hại 4,4 tỷ đồng.

Tỉnh đã khắc phục 40/45. Cũng trong năm 2020, Trung ương đã hỗ trợ Hậu Giang đầu tư, xây dựng các công trình phòng chống, khắc phục sạt lở 6 công trình với kinh phí 210 tỷ đồng.

Hậu Giang: Ngăn chặn thiên tai tác động tới đời sống an sinh người dân - 2
Đoàn công tác kiểm tra công trình cống và đê bao ngăn mặn tại Hậu Giang ngày 27/8

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, Phó Ban phụ trách thiên tai Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, cho biết, địa phương đã quán triệt thực hiện có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả.

Cũng tại buổi làm việc, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - cho biết thêm, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng nâng cao tính chủ động của các ngành, các cấp và người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. 

Bên cạnh đó, ông Tuyên cũng cho biết, địa phương hiện đang gặp phải một số khó khăn như: Quỹ phòng chống thiên tai kinh phí ít; Nhận thức của người dân về phòng, chống bão rất hạn chế, không thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng…

Hậu Giang: Ngăn chặn thiên tai tác động tới đời sống an sinh người dân - 3
Ông Trương Cảnh Tuyên- Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại buổi làm việc

Lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang cũng kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể, như: Bộ NN&PTNT sớm thành lập trung tâm quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi cho khu vực Tây sông Hậu nhằm kiểm soát ranh mặn tốt hơn; Hỗ trợ Hậu Giang thực hiện cuộc diễn tập phòng chống thiên tai cấp tỉnh năm 2020...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đã đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh trong thời gian qua.

Hậu Giang: Ngăn chặn thiên tai tác động tới đời sống an sinh người dân - 4
Ông Lê Tấn Dũng-Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại buổi làm việc tại Hậu Giang ngày 27/8

Đồng thời, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao việc tổ chức sản xuất nông nghiệp tại các khu vực bị xâm nhập mặn bằng hệ thống đê bao, khoanh vùng sản xuất hiệu quả.

Cùng với đó, Hậu Giang thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhất là hệ thống giao thông nông thôn bị ảnh hưởng hạn mặn, góp phần đáp ứng đối phó các loại hình thiên tai, phương châm 4 tại chỗ của Hậu Giang thực hiện rất có hiệu quả.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng đề nghị, trong thời gian tới, Hậu Giang cần quan tâm ứng phó sạt lở bờ sông, giông lốc, sét, xâm nhập mặn để luôn luôn đảm bảo tính mạng cho người dân; có kế hoạch phòng chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế xã hội sát với thực tiễn của Hậu Giang.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức; kiện toàn Ban chỉ huy, nâng cao năng lực văn phòng ban chỉ huy phòng chống thiên tai; có kế hoạch hỗ trợ lực lượng xung kích phòng chống thiên tai; rà soát lại nghị quyết về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Quan tâm quỹ phòng chống thiên tai.

Đoàn công tác đã ghi nhận những kiến nghị của tỉnh, có những kiến nghị rất cấp thiết như việc thực hiện cột thu lôi chống sét trên địa bàn, vì tính mạng của con người là quan trọng hàng đầu.