Hậu Giang: Thanh tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(Dân trí) - Việc thanh, kiểm tra nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện, đảm bảo công tác dạy nghề đạt hiệu quả và nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch, quản lý, triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn.

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2015.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, việc thanh, kiểm tra để nắm tình hình về công tác tổ chức, triển khai thực hiện ở cơ sở, chỉ ra những mặt mạnh, những hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1956/QĐ-TTg trong thời gian tiếp theo.

Thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình thực hiện, đảm bảo công tác dạy nghề đạt hiệu quả và nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch, quản lý, triển khai thực hiện đề án; Đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của đề án, tình hình quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động của đề án đảm bảo đúng mục đích, đối tượng nhằm đạt hiệu quả cao.

Đoàn thanh tra sẽ tổ chức thanh, kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh); Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố; Các Trung tâm dạy nghề công lập huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn; Các cơ sở dạy nghề tham gia công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh; Các đơn vị sử dụng lao động nông thôn sau khóa đào tạo nghề; Tất cả các lớp nghề (lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp) đang tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đoàn thanh, kiểm tra các vấn đề như công tác chuẩn bị mở lớp, công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh học nghề; khảo sát nhu cầu học nghề; xét chọn và xác nhận đối tượng học nghề; nghề đào tạo; độ tuổi; địa điểm mở lớp…

Kiểm tra công tác mở lớp như tình hình khai giảng, bế giảng; đội ngũ giáo viên; chương trình, giáo trình; trang thiết bị dạy học; vật tư, dụng cụ thực hành; tiến độ giảng dạy, thời gian đào tạo; kiểm tra, cấp chứng chỉ; việc quản lý biểu mẫu, sổ sách, quản lý dạy và học trong đào tạo nghề.

Kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động quản lý tài chính (về quản lý và sử dụng vốn được giao) gồm: hợp đồng đào tạo, dự toán chi tiết, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng; thanh, quyết toán kinh phí dạy nghề (chi trả tiền giáo viên, vật tư, chi trả chế độ chính sách cho người học nghề và các khoản chi khác theo quy định tại Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH và Thông tư liên tịch số 128/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH); các mẫu biểu, chứng từ, hóa đơn liên quan khác.

Kiểm tra việc quản lý, sử dụng, bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề được đầu tư tại các cơ sở dạy nghề công lập; Giải quyết việc làm sau đào tạo nghề, vốn vay, hiệu quả sau đào tạo nghề; Kiểm tra, giám sát tình hình quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản thiết bị dạy nghề được đầu tư, xây dựng cơ bản và mua sắm thiết bị dạy nghề tại các Trung tâm dạy nghề công lập huyện, thị xã, thành phố; Kết quả, hiệu quả các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển sản xuất của địa phương, đối với tạo việc làm, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế, xã hội.

Đoàn thanh tra tỉnh sẽ tiến hành thanh, kiểm tra ngay trong năm 2015.

                                                                                                Huỳnh Hải