Quảng Bình:
Dịch được kiểm soát, hơn 4.500 vị trí việc làm đang chờ người lao động
(Dân trí) - Khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các nhà máy, xí nghiệp tại Quảng Bình đã trở lại hoạt động, địa phương này hiện có hơn 4.500 vị trí việc làm đang chờ người lao động.
Ngày 17/10, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình cho biết, khi tình hình dịch bệnh tại địa phương cơ bản được kiểm soát, đơn vị đã được nhiều các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đề nghị hỗ trợ tuyển dụng lao động.
Đây là kết quả sau những nỗ lực của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình trong việc kết nối với các nhà máy, xí nghiệp để giải quyết việc làm và tạo sinh kế cho người lao động, đặc biệt là các trường hợp về từ TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Theo ông Phương, hiện các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh… đang có nhu cầu tuyển dụng hàng chục nghìn lao động vào làm việc. Riêng tại tỉnh Quảng Bình có hơn 4.500 vị trí việc làm mới đang chờ người lao động.
Để tạo thuận lợi cho người lao động tìm việc làm mới, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Bình đã đề nghị chính quyền cấp xã tổng hợp, báo cáo nhu cầu tìm việc của lao động từ các tỉnh phía Nam trở về, trên cơ sở đó phân chia thành nhóm ngành để giới thiệu việc làm.
"Chúng tôi đã tổ chức các hội nghị trực tuyến tại trụ sở đơn vị với sự tham gia của các doanh nghiệp và kết nối đến từng người lao động thông qua ứng dụng hội họp trên internet và mạng xã hội để lao động lựa chọn cơ hội làm việc, người tuyển dụng cũng tìm được lao động. Hiện đã có hàng trăm người tìm được việc làm mới", ông Phương thông tin.
Trong thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Bình sẽ tổ chức khoảng 10 hội nghị giới thiệu việc làm trực tuyến cho người lao động từ phía Nam trở về để cố gắng đáp ứng được nhu cầu tuyển khoảng 4.500 lao động cho doanh nghiệp trong tỉnh, sau đó sẽ mở rộng ra các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu lao động.
"Tôi đi làm ở Bình Dương cũng đã gần 10 năm, vừa qua vì dịch Covid-19, việc làm không có nên tôi đã về quê. Tôi cũng theo dõi các thông tin tuyển dụng để tìm kiếm việc làm phù hợp tại quê nhà, ổn định cuộc sống chứ cứ làm ăn xa quê cũng vất vả lắm", anh Nguyễn Thái Duy, một lao động tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chia sẻ.
Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh này có 261 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, đăng ký giải thể; khoảng 10.000 lao động thiếu hoặc mất việc làm; 230 hợp tác xã bị ảnh hưởng nặng nề phải dừng hoạt động khiến gần 2.400 lao động đối mặt với nguy cơ mất việc. Bên cạnh đó, có khoảng 8.000 lao động từ các tỉnh, thành phố về quê chưa có việc làm.
Trong công tác giải quyết việc làm, từ đầu năm đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Bình đã tổ chức hàng chục phiên giao dịch giới thiệu, cung ứng việc làm và tiếp nhận hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được quan tâm. Đến hết quý III, trên địa bàn Quảng Bình có 13.000 lao động được tạo việc làm; khoảng 1.900 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tỉnh Quảng Bình cũng đang nỗ lực, tập trung vào một số giải pháp khắc phục khó khăn trong thực hiện công tác giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, công tác hướng nghiệp, dạy nghề… Địa phương này cũng sẽ nắm bắt, thống kê đầy đủ, phân loại, xác định nhu cầu của các lao động từ nhiều tỉnh, thành phố về quê để có kế hoạch đào tạo, triển khai hiệu quả công tác giải quyết việc làm để nhanh chóng ổn định tình hình, tạo sự yên tâm cho bà con.
Thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ cũng như quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay, Quảng Bình đã có 52.643 lao động; 2.687 đơn vị sử dụng lao động và 265 trẻ em đang điều trị, cách ly phòng, chống dịch đã được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 39 tỷ đồng.
Về hỗ trợ người lao động hồi hương từ các tỉnh, thành phía Nam, Quảng Bình đã tổ chức 2 đợt, đón gần 3.000 công dân về quê. Trước đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh này đã kịp thời chỉ đạo hỗ trợ cho gần 22.000 người đang sinh sống tại TPHCM và các tỉnh phía nam với số tiền gần 22 tỷ đồng.