Hành xử tùy tiện, nhân viên dễ nản lòng

Giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động bằng cảm tính, không tuân theo các quy định của pháp luật lao động hay nội quy lao động… Chính cách hành xử tùy tiện này mà nhiều chủ doanh nghiệp (DN) làm nhân viên dễ nản lòng và cũng là nguyên nhân của nhiều vụ tranh chấp lao động.

Bị sa thải vì trình bày sự việc khi sếp đang nóng

Bị sa thải vì trình bày sự việc khi sếp đang nóng

Đó là trường hợp của anh N.V.Tuấn - nhân viên bảo trì điện của Cty Kiểm toán và Dịch vụ tin học TPHCM (Q.3, TPHCM). Anh Tuấn vào làm việc tại Cty với HĐLĐ không xác định thời hạn. Anh cho biết, trong thời gian làm việc, anh không hề mắc bất kỳ sai phạm nào, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Cty giao.

“Đến một ngày, khi tôi mang các loại hóa đơn mua vật tư sửa chữa vào trình giám đốc thì ông không chịu ký với lý do không hợp lý. Tôi giải thích với giám đốc và đề nghị nếu không hợp lý thì giám đốc phải cho bộ phận phụ trách kiểm tra, đánh giá. Tôi nói chưa dứt lời thì giám đốc nổi sung, đuổi tôi ra ngoài và xắn tay áo đòi đánh. Tôi thấy giám đốc đang nóng nên vội xin phép rút lui”.

Chuyện tưởng xong, nào ngờ, ngay trong ngày hôm đó, giám đốc đã ký thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với anh Tuấn, nội dung ghi rõ: “Ông Tuấn không còn nghĩa vụ và trách nhiệm phải vào Cty với bất cứ lý do nào”. Cùng ngày, giám đốc cũng ký thông báo gửi ban bảo vệ để “kiểm soát việc ra vào của ông Tuấn”. Sau 45 ngày, giám đốc ký quyết định cho anh Tuấn nghỉ việc. Sau nhiều lần cố gắng trình bày sự việc với ban giám đốc nhưng không được giải quyết, anh Tuấn đã nộp đơn kiện Cty ra TAND quận 3 để đòi quyền lợi.

Tương tự, vụ việc một số lao động ở Cty B.K (quận Bình Tân, TPHCM) bị kỷ luật chỉ vì nói xấu lãnh đạo khiến nhiều người bức xúc. Anh T - nhân viên Cty - trình bày: “Trong giờ giải lao, chúng tôi tán gẫu và có kể về tính keo kiệt của một cán bộ quản lý. Chuyện đến tai ban giám đốc, chúng tôi bị xử lý kỷ luật với lý do “nói xấu lãnh đạo” với hình thức khiển trách. Tuy nhiên, chuyện chúng tôi nói là có thật và việc “nói xấu lãnh đạo” không hề có quy định trong nội quy lao động”.

Khi những lao động này gửi đơn cầu cứu khắp nơi, bà giám đốc Cty thừa nhận: Đúng là Cty không có quy định về việc “nói xấu lãnh đạo”, do vậy, việc xử lý kỷ luật một số nhân viên vừa qua là không thỏa đáng. Cty sẽ xem xét, hủy bỏ quyết định kỷ luật, phục hồi quyền lợi cho người lao động.

Phân biệt bằng cấp, người cũ lính mới

Là bức xúc mà chị Bích Vân - nhân viên Cty chuyên kinh doanh hàng nông sản tại TPHCM - trình bày khi nói về câu chuyện tại đơn vị mình. Chị Vân kể, đầu năm nay, nhóm của chị, gồm 6 người, thực hiện một đề án phát triển thị trường mới ở một tỉnh phía Bắc. Đề án được đánh giá cao với tính khả thi cao, bước đầu thực hiện đã có những hiệu quả kinh tế nhất định.

Để thưởng cho nhân viên, ban giám đốc thông báo sẽ tặng cho nhóm một chuyến du lịch đi Singapore. Nghe tin, ai cũng mừng rỡ, thế nhưng khi công bố danh sách những nhân viên đi du lịch thì không có tên của chị Hà và em Phước - hai người đã không quản ngại đường xá đi đi về về, tới tận nơi để tìm hiểu thị trường, đóng góp đáng kể cho thành công của dự án.

“Tôi đem bức xúc này lên trình bày với chị trưởng phòng thì chị đề nghị tôi im lặng, đó không phải là lỗi của tôi và quyền quyết định không nằm ở tôi nên tôi nói ra không giải quyết được gì mà còn thêm rắc rối”, Chị Vân kể lại. Theo lời chị, lý do ban giám đốc để chị Hà và em Phước ở nhà là vì chị Hà dù làm lâu năm nhưng chỉ tốt nghiệp trung cấp, em Phước là nhân viên quá mới, chưa đóng góp nhiều cho Cty. Trong khi đó, Cty còn có những người là thạc sĩ, tiến sĩ chưa được đi du lịch nước ngoài, nên phải ưu tiên đi trong đợt này.

“Tôi thấy kỳ cục hết sức, có chuyến du lịch này vì nhóm chúng tôi đã dốc sức làm đề án, còn những ông bà thạc sĩ, tiến sĩ lâu năm kia, họ không liên quan gì đến nhóm chúng tôi, vậy mà họ lại dành mất phần của chị Hà và em Phước. Tôi nản lắm, không muốn đi nữa, đi du lịch mà mang cục tức thế này sao mà vui”, chị Vân chia sẻ.

Lạm quyền làm mất uy tín, tiền bạc. “Trường hợp của anh Tuấn ở Cty Kiểm toán và Dịch vụ Tin học TPHCM, sau khi anh kiện ra toà, ban giám đốc đã phải nhận sai, chấp nhận bồi thường cho anh và nhận anh vào làm việc. Thực tế, hiện nay, nhiều vị lãnh đạo không cần biết trước sau, luật pháp, nội quy lao động mà cứ thích hành xử theo ý mình vì “sếp luôn luôn đúng”, cho đến khi bị NLĐ kiện thì hối cũng không kịp. Lạm quyền chỉ khiến mình vừa mất tiền, lại vừa mất uy tín”, luật sư Nguyễn Giang Nam - Đoàn luật sư TPHCM - chia sẻ.



Theo Báo Lao động