Hàng nghìn người sang Lào, Thái Lan làm việc

Bắt đầu ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán Bính Thân, hàng nghìn người lao động ở Hà Tĩnh ồ ạt đổ về Phòng Xuất nhập cảnh (PA72) Công an tỉnh làm hộ chiếu, giấy thông hành để xuất ngoại sang Lào, Thái Lan làm việc. “Cơn sốt” lao động sang hai nước nói trên đã và đang góp phần làm đổi thay cuộc sống của nhiều gia đình. Song thực trạng này cũng để lại không ít hệ lụy.

Phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Hà Tĩnh phải làm việc cả đêm.
Phòng Xuất nhập cảnh Công an tỉnh Hà Tĩnh phải làm việc cả đêm.

Phòng xuất nhập cảnh làm việc cả đêm

Chỉ trong ngày làm việc đầu tiên của năm Bính Thân (15/2 tức ngày mồng 8 Tết), PA72 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận hơn 1.100 hồ sơ làm hộ chiếu, giấy thông hành xuất ngoại sang Lào, Thái Lan. Tình trạng này đang tiếp diễn, sáng ngày 16/2, lượng người vẫn nườm nượp đến PA72 với mong muốn sớm làm được thủ tục xuất cảnh, chủ yếu là sang đất nước Triệu Voi và Vương quốc của người tự do kiếm kế mưu sinh.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Đức Thuận - Trưởng Phòng PA72 Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Kể từ ngày 15/2, PA72 phải huy động 100% cán bộ, chiến sĩ phục vụ việc giải quyết thủ tục cho người lao động đi Lào, Thái Lan và đảm bảo vấn đề an ninh trật tự. Tất cả cán bộ PA72 phải làm thông tầm đến 11h đêm mới truyền hết dữ liệu ra Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Ông Nguyễn Đức Thuận nhận định: “Phải qua rằm tháng Giêng thì người dân đến làm hộ chiếu, giấy thông hành mới giảm bớt. Năm nay, chúng tôi chụp ảnh, truyền nhận dữ liệu qua tín hiệu nên việc làm thủ tục xuất nhập cảnh cho người dân nhanh hơn rất nhiều”.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thuận thì hiện nay người dân Hà Tĩnh sang Lào, Thái Lan thường đi bằng hộ chiếu. Đối với giấy thông hành, theo quy định chỉ cấp cho người có nhu cầu sang Lào. Những năm qua, riêng Hà Tĩnh đã có khoảng vài nghìn người làm giấy thông hành theo thời hạn họ yêu cầu, song tối đa là được cấp 1 năm. Trong khi đó, theo con số thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, hàng năm, địa phương này có trên 26.000 lao động tự đi tìm việc làm ở các nước láng giềng. Chủ yếu họ sang Thái Lan, Lào để lao động.

Khoảng trống

Việc người dân Hà Tĩnh ồ ạt sang hai nước nói trên làm việc theo kiểu lao động tự do đã diễn ra trong nhiều năm qua đang góp phần làm thay đổi cuộc sống ở các làng quê nghèo. Anh Võ Tiến Đức (trú xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh), cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi sang Thái. Gia đình có người quen ở bên đó “bảo lãnh” cho tôi sang. Họ nói là ông chủ đang cần người làm nên điện về bảo tôi lo hộ chiếu gấp trong vòng 5 ngày để sang làm việc. Tôi hy vọng qua bên đó sẽ có điều kiện lao động mang lại thu nhập tốt hơn”.

Qua tìm hiểu được được biết: Những “mối” việc của lao động ở Hà Tĩnh sang Lào, Thái Lan làm thường đơn giản như trường hợp của anh Đức. Người lao động chỉ cần có giấy thông hành hoặc hộ chiếu là có thể xuất ngoại, vào các cơ sở, nhà máy đảm nhiệm công việc, kiếm tiền.

Xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc nổi tiếng với việc lao động xuất khẩu sang Thái Lan. Xã này hiện có hơn 1.400 người đang làm việc tại nước này. Gần như tất cả các gia đình ở Mỹ Lộc đều có người sang Thái kiếm việc làm. Trong đó, riêng xóm Nhật Tân và Đại Đồng có tới 100% hộ “di cư” qua Vương quốc của người tự do mưu sinh. Nhiều gia đình chuyển cả cha, mẹ, con cái sang Thái làm ăn với mức thu nhập bình quân đạt từ 7-13 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, họ gửi về gia đình hàng chục tỷ đồng tiền tích trữ.

Tuy nhiên, để tồn tại yên ổn trên đất Thái, người lao động Việt phải làm những công việc mà người Thái ít tham gia và thường diễn ra vào ban đêm nhằm trốn sự truy lùng của lực lượng chức năng. Những trường hợp bị công an nước sở tại bắt, trục xuất về nước thì lao động phải chịu thiệt thòi, thậm chí trắng tay. Có không ít người khi gặp tai nạn lao động trên đất Thái đều phải ngậm ngùi chịu đựng, không được chi trả tiền bảo hiểm do chủ sử dụng lao động né tránh pháp luật.

Có thể nhận thấy, việc hàng nghìn người lao động qua Thái Lan, Lào kiếm việc làm đang là nhu cầu bức thiết và là tín hiệu đáng mừng. Bởi trong khi, người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu theo con đường chính ngạch phải đóng hàng chục triệu đồng cho đơn vị môi giới thì cách mà người dân Hà Tĩnh qua Lào, Thái Lan lại khác. Họ không phải bỏ ra những khoản tiền tương tự nhưng vẫn tìm được việc làm ổn định, mang lại thu nhập tốt. Vậy nhưng, đến nay các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang bỏ ngỏ, chưa đưa ra được giải pháp để quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích và nghĩa vụ đối với công dân là điều đáng phải bàn.

Mặt khác, theo chia sẻ của ông Nguyễn Công Trung - Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà thì trong xã có 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải có số lượng người đi Thái làm việc đông nhất. Từ đó, con cái thiếu bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ nên việc học hành của các cháu cũng không được chu đáo. Đó không chỉ là lo lắng của các gia đình mà còn là mối băn khoăn của chính quyền địa phương.

Theo báo Đại đoàn kết