Hàn Quốc nêu điều kiện để lao động bất hợp pháp được tái nhập cảnh

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Hơn 12.000 lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu tự nguyện về nước sẽ không bị phạt tiền, được xin tái nhập cảnh…

Cơ hội lớn cho lao động bất hợp pháp

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa thông báo về chính sách ân hạn đối với người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước năm 2023. Thời gian từ ngày 11/9 đến hết ngày 31/12, áp dụng với tất cả công dân các nước. 

Như vậy, người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong thời hạn nêu trên sẽ được miễn phạt tiền và hoãn hạn chế nhập cảnh.

Điều này có nghĩa là sau khi về nước, họ vẫn có thể nộp hồ sơ xin thị thực nhập cảnh vào Hàn Quốc. Họ vẫn được cơ quan Lãnh sự quán Hàn Quốc tại nước sở tại tiếp nhận hồ sơ xin cấp thị thực và có thể được cấp thị thực nhập cảnh Hàn Quốc sau khi trải qua thẩm tra, xem xét hồ sơ của phía Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng loại trừ các trường hợp: Người cư trú bất hợp pháp kể từ sau ngày 11/9/2023, người nhập cư bất hợp pháp, người sử dụng hộ chiếu hoặc giấy thông hành giả, người phạm tội hình sự, người không thể thực hiện mệnh lệnh xuất cảnh...

Hàn Quốc nêu điều kiện để lao động bất hợp pháp được tái nhập cảnh - 1

Bộ LĐ-TB&XH tuyển chọn trực tiếp người lao động, rà soát kỹ đảm bảo tuyển chọn lao động có tay nghề, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của đối tác (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Để làm thủ tục khai báo tự nguyện xuất cảnh, người lao động cần chuẩn bị các giấy tờ sau: Hộ chiếu; vé máy bay xuất cảnh; đơn khai báo tự nguyện xuất cảnh.

Người lao động có thể đến trực tiếp đến các Văn phòng Xuất nhập cảnh tại nơi cư trú để khai báo hoặc, khai báo trực tuyến trên trang web Hikorea (http://hikorea.go.kr).

Sau đó, vào ngày xuất cảnh cần đến Văn phòng quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay để được nhận xử lý miễn đóng tiền phạt và hoãn hạn chế nhập cảnh rồi xuất cảnh về nước.

Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý, thời gian thực hiện khai báo tự nguyện xuất cảnh phải thực hiện muộn nhất trước 3 ngày xuất cảnh (không bao gồm ngày nghỉ); người lao động liên hệ tổng đài số 1345 của Bộ Tư pháp Hàn Quốc để biết thêm các thông tin chi tiết.

Lao động chui bị phạt hơn 500 triệu đồng

Song song với thời gian thực hiện chính sách lần này, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo, cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung, tăng cường công tác truy bắt người nước ngoài cư trú bất hợp pháp trên toàn Hàn Quốc đợt 3 từ tháng 10 năm nay.

Người nước ngoài cư trú bất hợp pháp bị bắt trong thời gian thực hiện chính sách nêu trên sẽ bị phạt tiền lên đến 30 triệu won (hơn 500 triệu đồng) và tăng thời gian cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc đưa ra chính sách lần này của Hàn Quốc nhằm khuyến khích lao động tự nguyện về nước, góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại nước này, mở ra thêm nhiều cơ hội cho các lao động sang Hàn Quốc làm việc.

Trong nước, hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH đều có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc ở một số địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao, từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Hàn Quốc nêu điều kiện để lao động bất hợp pháp được tái nhập cảnh - 2

Lao động bỏ trốn nếu bị bắt bị phạt tiền lên tới hơn 500 triệu đồng (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thống nhất với phía Hàn Quốc tiếp tục tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (Chương trình EPS) đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); TP Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), do vẫn không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.

Bộ cũng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước, để tạo cơ hội cho nhiều người lao động được sang thị trường này làm việc.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay có hơn 46.000 lao động Việt Nam vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. Trong đó, tính theo tỷ lệ, Hàn Quốc là thị trường có số lao động "chui" cao nhất với hơn 12.000 người, chiếm tỷ lệ 26% (hiện có hơn 46.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này).

Thị trường Đài Loan có 24.000/256.576 người, chiếm tỷ lệ 9%. Tại Nhật Bản cũng có gần 4.800 thực tập sinh kỹ năng bỏ trốn.