Bình Dương:

Vì sao người lao động thờ ơ với cơ hội đi nước ngoài làm việc?

Phạm Diện

(Dân trí) - Do công việc tại Bình Dương đủ đáp ứng được nhu cầu, thu nhập của người lao động nên tỉ lệ đi nước ngoài làm việc rất thấp, dù mức lương được trả trung bình 40 triệu đồng/tháng.

Sáng ngày 10/3, Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và giải quyết việc làm cho lao động ở nước ngoài khi hết thời hạn và trở về địa phương.

Vì sao người lao động thờ ơ với cơ hội đi nước ngoài làm việc? - 1

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Trung tâm Lao động ngoài nước và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Ảnh Phạm Diện).

Thông tin với đoàn công tác, ông Nguyễn Thanh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, từ năm 2018 trở lại đây, số người lao động ở Bình Dương có nhu cầu đi xuất khẩu lao động giảm mạnh. Những người lao động đi xuất khẩu lao động chủ yếu là đi Hàn Quốc.

Từ năm 2018-2023 có 105 người lao động đăng kí đi lao động ở nước ngoài (đa số là người của các tỉnh thành khác chuyển khẩu vào Bình Dương) thi tiếng Hàn để đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Tuy nhiên, trong số 105 lao động đăng kí thi chỉ có 59 người đậu, 26 người xuất cảnh.

Nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều khu công nghiệp, đáp ứng được nhu cầu việc làm, thu nhập cao nên người lao động không mặn mà với việc đi xuất khẩu lao động. Hiện nay, mức lương tối thiểu cho lao động làm việc tại Hàn Quốc dao động từ 36 - 40 triệu đồng/tháng. 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty xuất khẩu lao động và du học hoạt động rầm rộ nên Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương gặp nhiều khó khăn trong việc tuyên truyền, tư vấn chương trình EPS (đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc theo thỏa thuận ký kết giữa nước này với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam). 

Theo ông Phương, hiện nay các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc… đang rất cần nguồn lao động làm việc ở nước ngoài trở về nước. Tuy nhiên, người lao động khi trở về nước lại không liên lạc với Trung tâm nên còn khó khăn khi kết nối cung - cầu lao động nhằm hỗ trợ việc làm khi hết hạn hợp đồng.

Tại buổi làm việc, ông Phương mong muốn Trung tâm Lao động ngoài nước hỗ trợ những thông tin về những lao động hết hạn làm việc nước ngoài, để kết nối người lao động cho các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc... đóng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Vì sao người lao động thờ ơ với cơ hội đi nước ngoài làm việc? - 2

Ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước kì vọng 2 bên sẽ hợp tác tốt hơn nữa (Ảnh Phạm Diện).

Tại buổi làm việc, ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước đã thông tin chi tiết về các chương trình mà Trung tâm đang triển khai để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. 

"Trung tâm kỳ vọng thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, định hướng để người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Trung tâm đang triển khai", ông Hồng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Sở cần phải phối hợp với Trung tâm để nắm bắt các thông tin, những lao động ở nước ngoài trở về nước để có hỗ trợ, giới thiệu việc làm phù hợp sau khi họ hết hạn hợp đồng.

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, Sở đồng thuận với chủ trương mà Trung tâm Lao động ngoài nước đưa ra. Trong thời gian tới, Sở sẽ triển khai thực hiện đồng thời phối hợp, chỉ đạo các địa phương, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện để phối hợp tốt hơn với Trung tâm, từ đó kết nối người lao động đi nước ngoài làm việc và có việc làm sau khi hết hạn hợp đồng lao động, trở về nước.