Hà Tĩnh dôi dư hơn 250 cán bộ sau sáp nhập, sắp xếp thế nào?

Dương Nguyên

(Dân trí) - Từ ngày 1/1/2025, Hà Tĩnh sẽ giảm một đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 7 xã, qua đó dự kiến dôi dư 261 cán bộ.

Ngày 27/11, Sở Nội vụ Hà Tĩnh có báo cáo về tình hình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh này.

Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tỉnh Hà Tĩnh sẽ giảm một đơn vị hành chính cấp huyện, từ 13 xuống còn 12 đơn vị (gồm 9 huyện, một thành phố và 2 thị xã) và giảm 7 đơn vị hành chính cấp xã, từ 216 xuống còn 208 (170 xã, 25 phường, 14 thị trấn).

Hà Tĩnh dự kiến có 136 người (31 cán bộ, 57 công chức, 48 viên chức) đối với cấp huyện và 125 người (64 cán bộ, 45 công chức, 16 người hoạt động không chuyên trách) đối với cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Hà Tĩnh dôi dư hơn 250 cán bộ sau sáp nhập, sắp xếp thế nào? - 1

Từ ngày 1/1/2025, huyện Lộc Hà sẽ sáp nhập vào huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lộc Hà).

Để giải quyết vấn đề, Hà Tĩnh đưa ra các phương án sắp xếp.

Với cấp huyện, cán bộ, công chức viên chức dôi dư do sáp nhập có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì điều chuyển sang chức danh, vị trí công tác khác; điều động từ huyện sắp xếp sang địa phương lân cận và các địa phương khác phù hợp; điều động, tiếp nhận về các cơ quan cấp tỉnh.

Nếu không thể sắp xếp, bố trí công việc mới mà cán bộ, công chức, viên chức dôi dư có nguyện vọng hưởng các chế độ, chính sách theo quy định thì tạo điều kiện theo nguyện vọng, thực hiện tinh giản biên chế… hưởng chính sách của Trung ương, của tỉnh nếu có theo quy định.

Đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sáp nhập có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có các phương án cụ thể sau:

Điều chuyển sang chức danh khác; điều chuyển, bố trí từ các xã sắp xếp sang xã còn thiếu trong cùng một huyện; tiếp nhận làm công chức cấp tỉnh, cấp huyện; tuyển dụng làm viên chức ở đơn vị sự nghiệp; thực hiện chuyển sang chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Nếu không thể sắp xếp, bố trí công việc mới mà cán bộ, công chức dôi dư có nguyện vọng nghỉ hưởng các chế độ, chính sách theo quy định thì tạo điều kiện theo nguyện vọng,…

Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư, Hà Tĩnh sẽ vận động nghỉ hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

Hà Tĩnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư tự nguyện nghỉ hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Trung ương, của tỉnh.

Cũng theo đề án, Hà Tĩnh sẽ có 30 cơ sở nhà, đất tại đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp phải giải quyết, trong đó có 11 cơ sở nhà đất dự kiến phương án xử lý điều chuyển; 9 cơ sở nhà, đất dự kiến phương án chuyển giao về địa phương và 10 cơ sở nhà, đất dự kiến phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng sử dụng đất.

9 cơ sở nhà, đất tại các đơn vị cấp huyện, trong đó có một cơ sở nhà đất dự kiến phương án xử lý điều chuyển; một cơ sở nhà, đất dự kiến phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, 7 cơ sở nhà đất (thuộc huyện Lộc Hà) dự kiến phương án thu hồi.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng phương án chi tiết giải quyết 9 trụ sở cấp huyện và 30 trụ sở cấp xã dôi dư, bảo đảm hoàn thành trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành.

Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính nhiều nhất, đã sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 46 xã.

Hiện, tỉnh Hà Tĩnh còn 136 cơ sở nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng thực hiện theo phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (trong đó có 20 trụ sở xã) chưa xử lý được.

Về nhân sự, Hà Tĩnh mặc dù đã bố trí, giải quyết trên 1.000 người dôi dư do sắp xếp thời gian vừa qua; tuy nhiên, đến nay còn 204 người, trong đó có 152 cán bộ, công chức và 52 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư của giai đoạn 2019-2021 tiếp tục phải sắp xếp.