1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gần 800 cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập xã tại Nghệ An sẽ nghỉ hưu?

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tại Nghệ An dự kiến dôi dư gần 800 cán bộ, công chức. Để giải quyết tình trạng trên, tỉnh Nghệ An đã đưa ra nhiều phương án, phù hợp từng cán bộ.

Theo nghị quyết mới được thông qua, HĐND tỉnh Nghệ An đã đồng ý chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh này trong giai đoạn 2023-2025.

Sau khi sáp nhập, đội ngũ cán bộ, công chức của xã, phường, thị trấn sẽ giảm xuống còn 1.712 người, trong đó có 885 cán bộ và 827 công chức.

Toàn tỉnh Nghệ An sẽ giảm từ 460 đơn vị hành chính cấp xã hiện tại xuống còn 412 đơn vị, bao gồm 362 xã, 17 thị trấn và 33 phường sau khi thực hiện sắp xếp.

Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Nghệ An dự kiến sẽ bố trí được 913 cán bộ, công chức tại 43 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp, trong đó có 514 cán bộ và 399 công chức.

Gần 800 cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập xã tại Nghệ An sẽ nghỉ hưu? - 1

Nghệ An sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn (Ảnh: Nguyễn Phê).

Như vậy, sau khi bố trí cán bộ, công chức ở các xã mới theo quy định, còn dư 799 người, trong đó có 374 cán bộ và 425 công chức.

Để giải quyết tình trạng dư thừa, các cán bộ, công chức sẽ được sắp xếp theo các phương án: giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội, nghỉ thôi việc ngay, điều chuyển công tác, hoặc tiếp nhận vào công chức cấp trên nếu đủ điều kiện và trình độ chuyên môn phù hợp.

Đặc biệt, đối với các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cần ưu tiên lựa chọn cán bộ, công chức là người dân tộc để tiếp tục làm việc tại các xã mới sau khi sắp xếp.

Gần 800 cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập xã tại Nghệ An sẽ nghỉ hưu? - 2

Một góc thành phố Vinh hôm nay (Ảnh: Nguyễn Phê).

Sau khi sáp nhập, một số đơn vị hành chính sẽ gặp khó khăn như việc sử dụng tên mới, tiêu chuẩn chưa đạt quy định do yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về cơ sở hạ tầng, trước mắt sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, sau đó sẽ rà soát nhu cầu đầu tư trang thiết bị, trụ sở, đường giao thông, trường học, điểm văn hóa, trạm y tế... theo đúng thực tế yêu cầu và đảm bảo tiết kiệm.

Các cơ sở vật chất dư thừa sẽ được bố trí sử dụng hợp lý hoặc đấu giá công khai để tránh thất thoát và lãng phí tài sản của nhà nước.

Dựa trên nghị quyết của HĐND tỉnh, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định trong thời gian tới.