Hà Tĩnh: Có một nghề "cướp" nắng với trời!
(Dân trí) - Dưới cái nắng 42 độ C, diêm dân tại xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn chạy đua với thời gian để có những hạt muối tinh khiết nhất. Người dân ở đây vẫn gọi nghề của họ là "cướp" nắng với trời.

Xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà) có hơn 1.900 hộ với khoảng 8.000 dân. Làm muối là nghề truyền thống tại đây đã hơn 50 năm. Nhưng hiện nay, ngành nghề này đang bị mai một do rớt giá và bế tắc đầu ra.

Theo thống kê của UBND xã, năm 2020, toàn xã chỉ còn 29 hộ sản xuất muối. Phần lớn chỉ còn người già bám trụ với nghề truyền thống này.

Nghề làm muối vốn lắm công đoạn từ lấy nước, trang đất, rắc cát, tưới nước sân phơi... Công đoạn nào cũng vất vả và kỳ công. Từ sáng sớm đến chiều tối, diêm dân lúc nào cũng phải “nai lưng ra mà làm cho kịp nắng”.

13h chiều, dưới cái nắng 42 độ C, bà con phải tranh thủ "cướp nắng với trời", bởi chỉ chậm một tích tắc hạt muối thu hoạch không được như mong đợi. "Giờ này người ta không ngủ thì cũng tìm chỗ mát mà nghỉ ngơi. Chỉ có nghề tụi tôi là canh nắng thật to để mà ra làm. Nắng càng to, càng mừng vì muối càng kết tinh nhiều", bà Ngô Thị Hạnh (74 tuổi) vừa trang đất vừa nói.

Phút nghỉ ngơi tại những chiếc lán được dựng ngay trên những ruộng muối.

Khác với những vùng làm muối khác trong cả nước, người dân ở đây không sử dụng nước biển trực tiếp mà phải qua xử lý .

Nước biển sẽ được lọc qua hệ thống máng lọc xây bằng xi măng, sâu 2,5 m, dài 4 m, rộng 2 m. Diêm dân đổ cát vào chắt lọc, tiếp đó múc nước biển từ dưới kênh dẫn bên ruộng muối đổ trộn vào cho đến khi nước xấp xỉ bể.

Nhờ xử lý, hạt muối Hộ Độ sau khi kết tinh cũng trắng và sạch hơn.

Theo bà con diêm dân, muối sau khi đã kết tinh sẽ được dùng dụng cụ để thử độ mặn. Nếu đạt từ 18 -20 độ là muối đã đạt chuẩn có thể thu hoạch.



Ông Lê Doãn Sơn (62 tuổi) làm nghề đã hơn 50 năm. Ông kể, 12 tuổi ông đã biết trang đất và cũng từ đó cuộc đời ông gắn bó với hạt muối Hộ Độ. Làm muối vất vả, mà công lãi không được nên người dân cứ bỏ nghề dần.

Gia đình ông Sơn có khoảng 3 sào muối với 15 ô muối. Mỗi ngày từ sào muối này vợ chồng ông thu hoạch được khoảng 2 tạ muối. Thế nhưng thu nhập từ sào muối rất bèo bọt. "Muối giờ giá chỉ khoảng 12.000 đồng/yến nhưng vẫn không bán được", ông Sơn chia sẻ.

Thành quả sau một ngày không làm diêm dân vui mừng mà ngược lại lại hết sức lo lắng khi hàng chục tấn muối thu hoạch vụ trước còn nằm trên đồng, hoặc ngổn ngang trong các kho muối.

Cũng chính vì vậy từ hơn 70% hộ dân làm muối, giờ toàn xã Hộ Độ chỉ có 29 hộ còn tham gia sản xuất. Người trẻ bỏ quê xa xứ còn người già, trung niên bỏ nghề lên phố làm đủ nghề để kiếm sống như phụ hồ, làm việc nhà, bốc vác...

Dù con cái đã trưởng thành đi xa làm ăn, nhưng ông Sơn vẫn muốn bám trụ để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Cũng như nhiều diêm dân Hộ Độ, ông Sơn chỉ mong đầu ra hạt muối ổn định để có thể gìn giữ nghề muối truyền thống này.
Phượng Vũ - Tiến Hiệp