1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hà Nội: Người chở đào, quất thuê mong kiếm thêm thu nhập dịp cận Tết

Kim Sơn

(Dân trí) - Gần tới Tết Nguyên đán, dọc đường chợ hoa Quảng An (Tây Hồ) tấp nập kẻ bán người mua. Những người làm xe ôm, bốc vác, lao động tự do ở Hà Nội đã chuyển sang việc chở thuê những gốc đào, quất cảnh.

Nhận định của nhiều người chở cây cảnh ở Hà Nội, dịch Covid-19 cũng khiến sức mua giảm. Vì vậy, dù có việc nhưng tần suất công việc chở thuê cây cảnh không nhiều như dịp Tết 2020.

Hà Nội: Người chở đào, quất thuê mong kiếm thêm thu nhập dịp cận Tết - 1

 Cuối năm là thời điểm vàng của những người làm dịch vụ chở cây cảnh thuê.

Cả năm trông chờ vụ Tết

Anh Trịnh Văn Xuân (quê Quảng Xương, Thanh Hóa) vốn làm nghề xe ôm đã nhiều năm nay. Nhưng khoảng từ ngày 15 tháng Chạp âm lịch hằng năm, anh chỉ tập trung ở các chợ hoa để nhận chở thuê cây cảnh.

"Chiều nay, tôi chở được 6 chuyến cho khách được tổng cộng gần 800.000 đồng. Trung bình 1 ngày, tôi đi được khoảng chục chuyến cây cảnh", anh Xuân chia sẻ.

Hà Nội: Người chở đào, quất thuê mong kiếm thêm thu nhập dịp cận Tết - 2

Anh Xuân đang vận chuyển cây quất cho khách hàng.

Mỗi 1 chuyến, anh Xuân được trả thù lao từ 100.000 - 300.000 đồng/chuyến tùy theo quãng đường xa hay gần, kích thước lớn hay nhỏ của cây. Nếu chăm chỉ, anh hoàn toàn có thể kiếm được trên 1 triệu đồng thù lao một ngày.

Theo anh Xuân, công việc chở cây vất vả, nặng nhọc hơn chở người. Nhưng đổi lại, những xe ôm như anh dễ bắt khách hơn và thù lao cũng hậu hĩnh hơn rất nhiều.

"Có lần, tôi gặp một vị "khách sộp" nhờ tôi chở 1 cây đào lớn về gia đình họ ở quận Đống Đa. Thấy mình làm ăn chu đáo, họ thưởng thêm cho tôi 200.000 đồng", anh vui vẻ cho biết.

Hà Nội: Người chở đào, quất thuê mong kiếm thêm thu nhập dịp cận Tết - 3

Mấy hôm nay, ông Trần Quang Hảo bận rộn với việc chở thuê cây cảnh.

Làm nghề cửu vạn cả năm, nhưng dịp này ông Trần Quang Hảo (quê Nho Quan, Ninh Bình) cũng chuyển sang nghề chở thuê cây cảnh. Ông Hảo thừa nhận, tuy là công việc "thời vụ" nhưng cho thu nhập cao hơn nhiều lần nghề chính của ông.

"Đợt Covid-19 vừa rồi, cánh cửu vạn chúng tôi gần như không có việc. Tôi chỉ đợi có những ngày cuối năm đi chở thuê cây cảnh để bù đắp lại nhiều tháng không kiếm ra tiền", ông Hảo nói.

Theo ông Hảo, dịch Covid-19 làm sức mua giảm kéo theo thu nhập không bằng Tết năm 2020. Dù vậy, nguồn việc cũng không hẳn là cạn kiệt. Ông Hảo túc tắc có việc làm. Thậm chí có hôm vì ham nhận việc, ông không kịp ăn trưa và chỉ mua tạm chiếc bánh mỳ ăn lót dạ lúc 14h.

Nghề vất vả

Nói về nghề thời vụ này, anh Trịnh Văn Xuân cho rằng cũng phải cạnh tranh không kém khi chạy xe ôm. Để kiếm được mối chở hàng, người nhận chở thuê cũng phải chèo kéo khách hàng.

"Những nơi khách hay mua hàng thường ở vị trí cây có kích thước lớn, dáng đẹp. Vì thế, tôi thường cố gắng đến làm sớm mới mong kiếm được nhiều mối", anh nói.

Hà Nội: Người chở đào, quất thuê mong kiếm thêm thu nhập dịp cận Tết - 4

Nhiều lao động tự do ngồi chờ "mối khách" ở khu vực vườn quất cảnh Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội).

Lúc rảnh rỗi, anh Xuân thường vui vẻ bắt chuyện làm thân của chủ bán cây. Đôi khi, chào mời và giới thiệu, tư vấn cho người mua về các loại cây cảnh.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, ông Trần Quang Hảo cho biết nghề chở cây cảnh cũng lắm rủi ro. Theo ông, người chở phải hết sức lưu tâm bởi giao thông ở thành phố đông đúc, nhất là vào giờ tan tầm. Công việc rất nhiều và nặng nhọc, đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe tốt.

Hà Nội: Người chở đào, quất thuê mong kiếm thêm thu nhập dịp cận Tết - 5

Ngoài thuê vận chuyển bằng xe máy, xe lam cũng được nhiều khách hàng lựa chọn.

"Chở cây đến nhà mà bị hư hỏng, chúng tôi không những không được trả tiền công mà còn có thể phải bồi thường. Một cây đào đẹp có giá hơn triệu bạc, phải đền tiền coi như làm không công cả ngày", ông Hảo chia sẻ.

Mỗi lần trước khi nổ máy đi giao, ông thường kiểm tra kỹ xem dây chun buộc. Bên cạnh đó, phải đặt chậu sát người để đến khi không may chậu nghiêng đổ còn kịp lấy tay đỡ.