Hà Nội: Lao động kiếm 500.000 đồng/đêm từ việc bán dứa thuê

Phạm Công

(Dân trí) - Trung tuần tháng 5 cũng là lúc những xe chở dứa chín tràn ngập các chợ đầu mối ở Hà Nội. Tranh thủ đầu mùa dứa, nhiều lao động ở Hà Nội có thể kiếm được 500.000 đồng mỗi đêm từ việc bán dứa thuê.

Tại chợ Long Biên (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Liên - người làm nghề bán dứa thuê - trao đổi với PV: "Quả dứa có quanh năm, tuy nhiên chính vụ là vào đầu tháng 5 - 7. Khi vào mùa, dứa ngọt và thơm hơn nên được khách hàng rất ưa chuộng".

Nửa đêm, các xe tải dứa ùn ùn đổ về chợ Long Biên từ các tỉnh như: Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Bắc Giang. Sau đó, thương lái sẽ thuê những người như chị Nguyễn Thị Liên và nhiều người khác phụ trách công việc bán hàng.

Hà Nội: Lao động kiếm 500.000 đồng/đêm từ việc bán dứa thuê - 1

Chị Nguyễn Thị Liên bắt đầu công việc bán dứa từ 1h.

Theo kinh nghiệm 7 năm làm nghề của chị Nguyễn Thị Liên, những ngày tháng 5, người bán dứa thuê phải làm việc từ 1h - 7h.

Trung bình mỗi ngày, người phụ nữ quê ở Ân Thi (Hưng Yên) này có thể bán được khoảng 2 tấn dứa và được trả công 500.000 đồng. Ngoài việc bán hàng, lúc rảnh rỗi, chị sẽ giúp phân loại dứa xanh và chín để đáp ứng nhu cầu mua của khách hàng.

Khách hàng đến mua dứa chủ yếu là những tiểu thương tại các chợ dân sinh và những người làm nghề bán hàng rong. Để thuận tiện cho công việc, những người bán dứa thuê đựng dứa vào túi có chứa 20-40 quả trước, khách quen chỉ việc đến lấy.

Hà Nội: Lao động kiếm 500.000 đồng/đêm từ việc bán dứa thuê - 2

Những quả dứa to, mẫu mã đẹp sẽ được chị Hương xếp ra ngoài để thu hút khách hàng.

"Năm nay, dứa được mùa, được giá nên chúng tôi cũng phấn khởi theo. Vào chính vụ, các thương lái đều phải thuê lao động để kịp bán cho khách hàng" - chị Nguyễn Thị Liên chia sẻ.

Cũng làm công việc bán dứa thuê ở chợ Long Biên, chị Lê Thị Hương trú tại Đông Anh (Hà Nội), cho biết: "Số lượng dứa chúng tôi nhận bán sẽ tương ứng với tiền công được trả. Những tháng không phải chính vụ, bán số lượng ít, tôi nhận được 200-300 nghìn đồng. Nhưng khi vào chính vụ như hiện nay, thu nhập có thể tăng gấp đôi".

Hà Nội: Lao động kiếm 500.000 đồng/đêm từ việc bán dứa thuê - 3

Từ nghề bán dưa thuê, nhiều lao động có thể kiếm được 500.000 đồng mỗi đêm.

Công việc của chị Lê Thị Hương là xếp dứa sao cho đẹp mắt và bán dứa cho khách hàng. Bật mí về kinh nghiệm nghề, chị cho rằng, những quả dứa to, đẹp mã sẽ được xếp ra ngoài để thu hút khách hàng. Công việc làm khoán nên càng hết hàng sớm, những người làm nghề như chị sẽ được về sớm nghỉ ngơi.

"Chợ đông nhất vào lúc 2h, vậy nên tôi phải có mặt từ 20h để bắt đầu công việc xếp dứa, việc này diễn ra liên tục đến lúc hết hàng. Mỗi lần khách hàng mua xong, tôi lại lựa chọn những quả có mẫu mã đẹp xếp ra ngoài" - chị Lê Thị Hương chia sẻ.

Hà Nội: Lao động kiếm 500.000 đồng/đêm từ việc bán dứa thuê - 4

Dứa được đóng sẵn vào túi để bán cho khách quen đặt hàng từ trước.

Đối với chị Lê Thị Hương, công việc này không mất quá nhiều sức nhưng đem lại thu nhập khá hơn so với nhiều lao động khác ở chợ. Không chỉ làm công việc bán dứa thuê. Lúc rảnh rỗi, chị còn mua lại dứa của những thương lái với giá ưu đãi để chiều hôm sau đem bán tại chợ dân sinh gần nhà.

Làm nghề bán hàng rong ở Hà Nội đã 12 năm qua, chị Nguyễn Hồng Lan quê ở Vụ Bản (Nam Định), chia sẻ: "Năm nay dứa chín sớm hơn vải nên mặt hàng này đắt khách Mỗi ngày tôi bán khoảng 80-100 quả, trừ chi phí có thể thu lời 400-500 nghìn đồng".

Hà Nội: Lao động kiếm 500.000 đồng/đêm từ việc bán dứa thuê - 5

Công việc bán rong dứa những ngày này cũng đem lại cho chị Lan thu nhập khá.

Mỗi ngày, chị Nguyễn Hồng Lan đều thức dậy từ 3h để lên chợ đầu mối Long Biên lấy hàng rồi đem bán rong trên các con phố ở Hà Nội. Theo chị, thứ quả này dễ bán, có thể để được lâu nếu không đi bán kịp. Tuy nhiên vì bán lẻ nên chị phải gọt cho khách.

"Công đoạn gọt mất nhiều thời gian và nguy hiểm vì dao gọt dứa thường rất sắc. Nếu không cẩn thận, người làm nghề có thể bị đứt tay. Mùa dứa chín rộ cũng vào lúc thời tiết nắng nóng, nhưng vì loại quả này đem lại lợi nhuận cao. Mặc dù phải làm việc dưới nắng nóng mệt mỏi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đi bán cho hết hàng" - chị Nguyễn Hồng Lan cho biết.