Hà Nội: Đêm trắng với người lao công ngày cuối cùng của năm Canh Tý
(Dân trí) - Trong khi mọi người đã quây quần bên gia đình để chuẩn bị đón thời khắc giao thừa, những người lao công vẫn âm thầm dọn dẹp những đống rác chất ngổn ngang trên những vỉa hè, lòng phố Hà Nội.
Đêm trắng
Đêm 30 Tết, trong khi thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới chỉ còn vài giờ, anh Cao Văn Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn thoăn thoắt đưa từng nhát chổi xuống vỉa hè.
Nhiệm vụ của anh đêm nay là dọn sạch khu vực Hàng Bông và Quán Sứ thuộc quận Hoàn Kiếm.
"Vì là ngày cuối năm nên ngoài lượng lớn rác thải sinh hoạt tồn đọng, người dân còn bỏ đi những thứ không dùng đến nữa. Đêm nay chắc chắn là tôi đón giao thừa ở đây rồi", chàng trai 23 tuổi vui vẻ nói.
Mấy ngày hôm nay, cứ khoảng 17 giờ là anh Thủy đã có mặt ở ngoài đường gõ kẻng kêu người dân đem rác nhà mình ra đổ. Đầy 1 xe, anh lại đẩy ra lại bãi tập kết. Sau đó, lại lặp lại việc tương tự đến khi nào hết rác mới thôi. Công việc của anh Thủy chỉ kết thúc khi xe rác đến chở đem đi.
Mới vào làm việc được 3 tháng, anh Thủy thừa nhận chưa quen việc. Cả đêm "gồng mình" ở ngoài đường, đôi lúc anh chỉ muốn được ngồi xuống nghỉ ngơi.
"Ngay cả ngày thường khu vực này cũng nhiều việc lắm. Tuy vất vả nhưng đổi lại lương lậu cũng ổn do việc ngày nào cũng có, chứ không túc tắc như ngày trước tôi đi làm phụ xe", anh Thủy chia sẻ.
Trên khu vực đường Lê Duẩn, bà Lê Thị Lan (Đống Đa, Hà Nội) cũng đang tỉ mỉ phân loại từng loại rác thải vào từng chiếc túi ni-lông đen. Tâm sự với PV, bà Lan cho biết đã hơn 20 năm làm việc vào đêm giao thừa.
"Chiều 30 Tết năm nào cũng thế, tôi thường ra đường từ chiều đến 5 giờ sáng mới về nghỉ. Vì dịch dã nên năm nay ít người ra đường đón giao thừa hơn, nhưng chắc cũng phải 3 giờ sáng mới hết việc đấy", bà chia sẻ.
Chia sẻ về thù lao, bà Lan cho biết đi làm những ngày Tết cũng được công ty thưởng thêm cho vài trăm nghìn đồng. Đôi khi bà tận dụng nhặt nhạnh những chai lọ, bìa cát-tông mà người dân bỏ đi cũng cải thiệm được thu nhập cho mình.
Những người làm đẹp cho đời
Tâm sự với PV, đây là lần đầu tiên anh Cao Văn Thủy không đón Tết ở nhà. Mọi việc dọn dẹp nhà cửa, mua đồ sắm Tết anh để cho vợ lo liệu.
Theo anh Thủy, giờ đây ít người trẻ như anh nhận công việc dọn rác như mình để mưu sinh. Nhưng anh quan niệm, chỉ cần chăm chỉ và miễn không vi phạm pháp luật là đã giúp ích cho xã hội.
"Nhiều người thấy mình nhiệt tình lại tấm tắc khen, có khi thưởng cho tôi 100-200 nghìn đồng gọi là mừng tuổi. Những lúc như thế tôi cảm thấy công việc "làm đẹp cho đời" cùa mình rất có ý nghĩa", anh tâm sự.
Để chuẩn bị cho công việc đêm giao thừa, bà Lê Thị Lan đã tranh thủ nấu nồi bánh chưng và tranh thủ đi sắm Tết từ hôm 29 Tết. Mọi việc nhà còn lại, bà để cho chồng cùng các con tự thu xếp.
Ở tuổi lục tuần, nhiều phụ nữ chọn nghỉ ngơi để sum vầy bên người thân, con cháu. Sau khi nhận sổ hưu, cô Lê Thị Lan vẫn tình nguyện đi làm thêm công việc lao công mà mình đã gắn bó hơn 20 năm.
Theo bà Lan, lao công là công việc tiếp xúc với rác thải bẩn thủi quanh năm nên nhiều người trẻ giờ ít chọn làm nghề này để sinh sống. Thậm chí nhiều người dân đi qua đống rác còn bịt miệng, bịt mũi huống chi là chọn đi làm.
"Bạn bè bảo tôi là yêu nghề quá à? Tôi chỉ cười xòa. Quen công quen việc rồi, giờ về nhà quanh quẩn thì buồn chán lắm", bà bộc bạch.