Gói quà, bán hàng siêu đỉnh, robot khiến dân tình lo tương lai thất nghiệp

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Không chỉ thao tác "chuẩn máy" trong dây chuyền lắp ráp, robot lắp đặt tại một siêu thị đã thay nhân viên bán hàng, gói quà khéo léo, thuần thục như con người khiến ai xem cũng ngỡ ngàng...

Ít ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn video clip ghi lại cảnh robot dãn nhãn ABB đứng ở vị trí bán hàng tại một siêu thị điện máy Media Mart, thao tác gói quà tặng phục vụ khách. Độ thành thục và khéo léo của nhân viên siêu thị đặc biệt này là điểm thu hút khó cưỡng của đoạn clip. 

Theo đó, robot được đóng dấu ABB đặt hộp quà lên tờ giấy gói, thực hiện chính xác từng bước cuốn bọc, dán băng keo cố định, lật qua lật lại để gấp giấy... y hệt một người thợ quen việc. Thậm chí robot còn biết vuốt phẳng nếp gấp trên gói quà, dán tem và đính nơ trang trí. 

Hai cánh tay robot thao tác thành thục, động tác nuột nà, khéo léo không khác gì bàn tay người. 

Qua tìm hiểu, được biết robot gói quà trong đoạn clip có tên Yumi, được ra mắt vào năm 2015 do Công ty tự động hóa ABB (Thụy Sỹ) chế tạo. ABB mô tả đây là robot cộng tác (cobot) đầu tiên trên thế giới, báo hiệu kỷ nguyên con người cùng robot cùng nhau làm việc một cách an toàn và hiệu quả, không rào cản.

Gói quà, bán hàng siêu đỉnh, robot khiến dân tình lo tương lai thất nghiệp.

Yumi là robot công nghiệp có 2 cánh tay với bàn tay và các ngón mỗi bên. Yumi có cơ thể nhỏ gọn, không lấn chiếm không gian, những cánh tay làm bằng magie, mỗi bên có thể chuyển động theo 7 trục, rất mềm dẻo, giống con người.

Sở hữu bàn tay linh hoạt cùng hệ thống cấp liệu vạn năng, camera định vị chi tiết cần gắp và công nghệ điều khiển chuyển động hiện đại phù hợp gắp các chi tiết nhỏ, Yumi được đánh giá vô cùng chính xác (mức độ tới 0,02mm), khả năng di chuyển đảm bảo thay thế được nhiều vị trí công việc trước nay cần con người đảm nhận, ví dụ như làm nhân viên siêu thị.

Theo dõi đoạn clip, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, hiện nay có rất nhiều loại robot, có thể kể đến các dòng như robot cánh tay, robot hình người. Tuy nhiên dòng robot có thể cùng làm việc với con người như Yumi chưa phổ biến ở Việt Nam.

"Ở Việt Nam phổ biến nhất là dòng robot công nghiệp, còn robot dân dụng thì chưa nhiều. Với thế giới thì đây là một trong những loại robot phổ biến, không chỉ gói quà, bán hàng mà còn có thể vận chuyển đồ, gấp đồ, nấu ăn, pha cà phê....", ông Ngọc xác nhận, các dòng robot dân dụng như vậy mang lại rất nhiều tiện ích.

Và thực tế, các nước phát triển đã sử dụng robot trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ y tế, tới công nghiệp, làm việc trong nhà máy cũng như lĩnh vực dân dụng, giao tiếp với con người.

Việc sử dụng robot dân dụng dần phổ biến, nhiều loại mang lại cảm giác thích thú cho khách hàng vì khả năng làm việc, thao tác thuần thục, khéo léo như robot gói quà ở trong đoạn clip.

Nhiều người cho rằng robot gói quà là giải pháp cho tình trạng thiếu lao động trong ngành dịch vụ. Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc liệu robot có thể thay thế con người hay không.

Về vấn đề này, ông Ngọc cho rằng, robot chính là do con người làm ra, do con người lập trình và vận hành. Ở đây, khi ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất đòi hỏi con người phải chuyển hóa kiến thức và kỹ năng.

"Mọi người nói vui rằng robot làm như thế thì con người chỉ có nước "thất nghiệp". Điều này chỉ đúng đối với những người chưa được đào tạo. Thực tế, có sự cạnh tranh, so sánh nhất định vì có những việc robot đáp ứng công việc tốt hơn con người, ví dụ như về tác phong, về mức độ tận tụy, bền bỉ. Các nhân sự đảm nhận cùng vị trí công việc, như bán hàng, nấu ăn... đôi khi còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố này, yếu tố khác, còn robot thì là cỗ máy, chỉ biết làm, không mệt mỏi, không tùy hứng, không chán nản, không hờn dỗi phức tạp bao giờ", ông Ngọc phân tích.

Vì vậy, ở khía cạnh nào đó, trong tương lai, xu hướng sử dụng robot thay thế con người ngày càng phổ biến thì những phần việc vốn dành cho người lao động giảm đi. Xét về khía cạnh kinh tế, việc sử dụng robot giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí so với sử dụng nhân công, loại nguồn lực ngày càng đắt đỏ hơn. Ý nghĩa của mối lo "thất nghiệp" vì robot chính là ở điểm này. 

Tuy nhiên, người lao động sẽ có cơ hội để nắm bắt những vị trí việc làm tốt hơn, nhiều cơ hội công việc khác chất lượng, có giá trị cao hơn, như chính việc sáng chế, phát triển, vận hành robot... thay vì làm những việc giản đơn, giá trị sức lao động thấp.