Giúp người lao động ngành du lịch vượt khó giữa đại dịch Covid-19

Khánh Hồng

(Dân trí) - Hơn 1.000 người lao động trong ngành du lịch có nhu cầu đã được hướng dẫn các thủ tục vay vốn tạo việc làm. Mức vay tối đa là 100 triệu đồng với lãi suất 7.92%/năm trong thời hạn tối đa 10 năm.

Vừa qua, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch TP Đà Nẵng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức buổi họp trực tuyến hướng dẫn người lao động ngành du lịch các thủ tục vay vốn.

Trước đó, TP Đà Nẵng đã thông qua gói vay vốn hỗ trợ người lao động ngành du lịch chuyển đổi ngành nghề, tái sản xuất để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Giúp người lao động ngành du lịch vượt khó giữa đại dịch Covid-19 - 1

Lao động du lịch được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng để tạo việc làm. 

Theo ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng, ngay sau khi gói hỗ trợ được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các Phòng giao dịch trực thuộc phối hợp với UBND các phường, xã thực hiện.

Thông tin chủ trương cho vay đã được các Tổ dân phố và đội ngũ Tổ tiết kiệm và vay vốn phổ biến đến người lao động. Các đơn vị đã sẵn sàng hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người lao động và giải ngân trong tháng 7 và tháng 8.

Người lao động trong lĩnh vực du lịch có nhu cầu vay vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và tự tạo việc làm được ưu tiên cho vay tín chấp đến 100 triệu đồng với lãi suất 7.92%/năm trong thời hạn tối đa 10 năm. Ngân hàng dự kiến bố trí tổng số tiền gần 65 tỷ đồng cho kế hoạch vay vốn này.

Giúp người lao động ngành du lịch vượt khó giữa đại dịch Covid-19 - 2

Các hướng dẫn viên du lịch của Đà Nẵng tham gia lớp học mô hình kinh doanh để có thể học cách kinh doanh, tìm kiếm công việc trong thời gian thất nghiệp.

Ông Đặng Việt Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch danh dự Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng - cho hay: "Trong 2 năm qua, làn sóng liên hoàn của đại dịch Covid-19 đã tấn công trực tiếp và gây hệ quả nghiêm trọng đến ngành du lịch".

Vì vậy gói cho vay này có thể được xem là một trong những chính sách nhân văn của chính quyền thành phố, giúp người lao động du lịch tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, hiện có hơn 1.000 người lao động đã đăng ký vay vốn và đang trong quá trình làm thủ tục.

"Tuy nhiên, đây là gói vay tín chấp nên có các điều kiện rất chặt chẽ. Sẽ có một số người lao động không đạt yêu cầu hoặc có những trường hợp xây dựng đề án nhưng không thuyết phục được Tổ vay vốn", ông Dũng nói.

Ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến anh Nguyễn Văn Thành (trú quận Thanh Khê) - nhân viên khách sạn mất việc hơn một năm nay. Vì vậy, khi biết có chính sách hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch được vay vốn để làm ăn, anh rất mừng.

"Tôi sẽ vay vốn để mở quán cơm nhỏ kiếm đồng ra đồng vào, chờ du lịch phục hồi. Hy vọng hồ sơ của tôi sẽ được phê duyệt", anh Thành nói.

Nhiều lao động khác cũng rất phấn khởi và mong gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện sớm, giúp họ vượt qua khó khăn giữa đại dịch Covid-19.

Tháng 4/2021, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch TP Đà Nẵng chủ trì các buổi làm việc với Ngân hàng chính sách Xã hội TP Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đề xuất cơ chế cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong lĩnh vực du lịch tại Đà Nẵng.

Xem xét đề xuất của Quỹ về đối tượng vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng thống nhất cho vay với đối tượng là người lao động ngành du lịch cần nguồn vốn để tái sản xuất, đồng thời đề nghị UBND TP Đà Nẵng cho vay theo chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được quy định tại Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 16/6/2017.

Giải pháp hỗ trợ đối với nhóm đối tượng cần vay vốn chuyển đổi ngành nghề với mức vay tối đa 100 triệu đồng/lao động, lãi suất 7,92%/năm đã được Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng, Sở Tài chính và Sở Du lịch thống nhất đề xuất UBND TP Đà Nẵng và được HĐND TP Đà Nẵng phê duyệt.