Đà Nẵng: Những người mưu sinh trong Ngày Quốc tế lao động
(Dân trí) - Dịp lễ ai cũng muốn được nghỉ ngơi, đi du lịch, có người lại chọn cách về quê thăm gia đình. Nhưng trong không khí nghỉ lễ đó, vẫn còn nhiều người lao động vẫn đang tất bật mưu sinh.
Nhọc nhằn mưu sinh
Cứ như mọi ngày, chú Nguyễn Văn Đông (49 tuổi) cùng sạp trái cây di động trên chiếc xe cọc cạch lại len lỏi qua từng con phố. Dịp lễ, mọi người có nhiều thời gian rảnh rỗi để tụ họp bạn bè trò chuyện, nhờ vậy "sạp trái cây" của chú cũng buôn bán thuận lợi hơn.
"Ngày lễ lớn như vậy thì ai mà chẳng biết. Nhưng với tôi có gì khác đâu, công việc của mình thì cứ làm thôi. Giờ nghỉ bán thì lấy gì mà sống", chú Đông nở một nụ cười buồn nói.
Ngoài bán trái cây dọc đường, chú còn nhận làm thêm các việc khác như đi bốc vác thuê. Khu vực di chuyển của chú chủ yếu quanh khu vực đường Tôn Đức Thắng (Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng).
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 hằng năm, nếu thời tiết thuận lợi, chú Đông có thể kiếm được gần 300 nghìn đồng/ngày. Vì vậy, cho dù vất vả chú vẫn chăm chỉ làm việc để chăm lo cho gia đình.
Ngồi trong một góc khá khuất tầm mắt, chỉ với diện tích rất nhỏ ở bên vỉa hè trên đường Hùng Vương, tiệm sửa giày dép của chú Tư (50 tuổi) vẫn miệt mài đón tiếp khách.
Gọi là tiệm chứ thật ra nơi đây chỉ có một cái thùng gỗ đựng đồ nghề, vài ba đôi giày cũ treo lủng lẳng bên vỉa hè để mọi người "nhận diện", thêm một vài cái ghế nhựa cho khách. "Lễ gì chú ơi, cũng giống như mọi ngày khác thôi, nghỉ thì lấy tiền đâu đóng học phí cho con đây", chú Tư chia sẻ.
Ở một góc khác khi trời đã về trưa, thế nhưng vẫn nghe tiếng gọi nhau từ một nhà cao tầng đang xây dở "Rồi, kéo đi, kéo đi" Đó là tiếng ra hiệu kéo máy tời để chuyển đồ lên cao của những người thợ hồ.
Phải chăng, những con người này đã không nghỉ lễ, và giờ cũng chẳng nghỉ trưa?
Hì hục xúc những xẻng cát đổ vào máy trộn hồ, mồ hôi chảy ròng ròng ướt đẫm áo, anh Nguyễn Văn Hà tâm sự: "Làm nghề tự do như chúng tôi thì làm gì có ngày nghỉ, suốt ngày chỉ biết đến cát với xi măng thôi. Mong sao ngày nào anh em cũng có việc làm như thế này là tốt lắm rồi, tranh thủ kiếm dăm ba đồng để vợ con ở nhà đỡ cực".
Cống hiến thầm lặng
Trong suốt kỳ nghỉ lễ, không khó để bắt gặp hình ảnh những cô lao công vẫn miệt mài thu gom rác trên các tuyến đường ở TP. Đà Nẵng. Với họ đó không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm của một người mang lại sự sạch đẹp cho thành phố.
Ngồi nghỉ cạnh chiếc chổi và xe rác quen thuộc đã gắn bó lâu nay, cô Ngô Thị Kim Loan (54 tuổi) bộc bạch rằng: "Hơn 20 năm gắn bó với nghề lao công này, cô chưa hề biết đến một ngày nghỉ ngơi. Những ngày lễ thì số lượng rác thải ra gấp nhiều lần ngày thường, nên những người lao công như cô phải nhọc sức nhiều hơn...".
Lắm lúc cô thèm cái cảm giác được đi chơi lễ. Nhưng khi về tới nhà, cô chỉ có thể rã rời nằm ngủ cho lại sức, lúc nhìn lại chẳng mấy chốc đã trôi qua ngày lễ ngắn ngủi.
"Đã gắn bó với cái nghề này thì đành chấp nhận không có ngày lễ trọn vẹn. Công việc lao công vất vả lắm, nhưng đó là trách nhiệm mà, mình mà nghỉ thì rác ngập đường phố ngay chú ạ", cô Loan nói.
Khi trời càng về khuya, trong dòng người vội vã trên đường Điện Biên Phủ, tôi dừng chân tại một tiệm sửa xe ven đường để có thể lắng nghe và cảm nhận đầy đủ về một tấm lòng nhân hậu của chú Trần Viết Hùng.
Hơn mười năm lặng lẽ mưu sinh với nghề sửa xe tại ngã tư đường này cũng là chừng ấy thời gian chú Hùng sẵn sàng bơm vá, sửa xe miễn phí cho những người nghèo.
Thu nhập của chú từ việc bơm vá xe chẳng được bao nhiêu. Trung bình khoảng 70-100 nghìn đồng/ngày, khi cái ăn, cái mặc còn túng thiếu trăm bề nhưng chú vẫn quyết không chịu tháo tấm bảng "Bơm vá xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật". Với chú đó là việc nên làm và là trách nhiệm phải cống hiến.
"Ngày nào tôi cũng đi làm, lễ vẫn vậy chú à, ra đây ngồi cho mấy người lao động nghèo họ có nơi bơm vá xe, chứ lễ mà họ cũng mưu sinh cực nhọc lắm", chú Hùng nói.