1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Gieo "hạt ngọc trời" trên ruộng hoang, nông dân thu lãi cao

Ngô Linh

(Dân trí) - Cuối tháng 6 là thời điểm thu hoạch tại cánh đồng sen Trà Lý - Đồng Lớn. Từ khi chuyển đổi từ đất ruộng hoang, kém hiệu quả sang trồng sen, nông dân nơi đây có thu nhập cao, ổn định hơn.

Cả làng trồng sen

Cánh đồng  Trà Lý - Đồng Lớn ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam - "thủ phủ" trồng sen lấy hạt của khu vực, những ngày này rộn ràng không khí ngày mùa.

Gieo hạt ngọc trời trên ruộng hoang, nông dân thu lãi cao - 1

Đồng sen Trà Lý - Đồng Lớn không chỉ là điểm tham quan, chụp ảnh của du khách, đây còn là nơi "hái ra tiền" của nông dân.

Cánh đồng sen trải dài, tỏa hương thơm ngát, không chỉ thu hút du khách thập phương đến tham quan, chụp ảnh mà còn là nơi "hái ra tiền" của người dân nơi đây.

Đang lội bùn thu hoạch sen, ông Nguyễn Phước Bốn (52 tuổi, ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) cho hay, khi thấy cây sen phù hợp với địa hình đất ruộng trũng, gia đình ông quyết định chuyển đổi hơn 5 sào đất lúa sang trồng sen.

Mỗi sào ruộng, gia đình ông Bốn cấy khoảng 30-40 móng sen giống. Tiền đầu tư mua sen giống khá rẻ, khoảng 10.000 đồng/móng. Cây sen dễ chăm sóc, chỉ cần cày xới đất, bón phân rồi xuống móng, chờ đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng.

Gieo hạt ngọc trời trên ruộng hoang, nông dân thu lãi cao - 2

Do ruộng ở đây chạy dọc theo chân núi, thiếu nước tưới, nhiễm phèn, khó trồng lúa nên người dân chuyển sang canh tác sen.

"Hạt sen tươi bóc tới đâu thương lái thu gom hết tới đó. Sen hạt đầu vụ thường có giá rất cao, dao động 40.000-45.000 đồng/kg, gia đình tôi thu nhập khoảng 24 triệu đồng/vụ. Trồng sen cho lợi nhuận gấp 3 lần so với trồng lúa", ông Bốn phấn khởi.

Là một trong những hộ có đất canh tác sen lớn tại đây, bà Lê Thị Tám (thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn) cho biết, trước đây, trên vùng đất này, gia đình bà trồng lúa nhưng hiệu quả thấp. Từ ngày chuyển sang trồng sen, nhà bà Tám trở thành hộ khá giả tại địa phương. Vụ sen năm nay, gia đình bà Tám trồng 5ha, trừ chi phí, thu lãi hơn 250 triệu đồng.

Gieo hạt ngọc trời trên ruộng hoang, nông dân thu lãi cao - 3

Giữa tiết trời nắng chang chang, nông dân chăm chỉ thu hoạch sen.

"Cây sen có thể trồng một năm 2 vụ, xuống giống từ tháng Giêng trở đi. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng. So với trồng lúa thì trồng sen lãi nhiều hơn. Nhờ trồng sen, cuộc sống gia đình tôi khá giả hơn trước, có tiền lo cho con ăn học", bà Lê Thị Tám chia sẻ.

Tiềm năng phát triển từ sen

Những năm trước, phần lớn diện tích đất trồng lúa ở cánh đồng Trà Lý - Đồng Lớn chỉ sản xuất 1-2 vụ trong năm, năng suất lúa không cao, do những thửa ruộng ở đây nằm gần chân núi, thiếu nước tưới lại hay bị nhiễm phèn, lúa kém phát triển.

Vựa sen ở Quảng Nam mùa thu hoạch

Để lấy được nước tưới, nông dân phải dẫn nước từ các khe suối đổ về hoặc bơm từ các ao hồ lên, khá vất vả. Người dân đã nhiều lần chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa màu nhưng không hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng thử nghiệm cây sen cho thu nhập ổn định, người dân gắn bó đến nay.

Theo nhiều hộ dân xã Duy Sơn, việc trồng sen bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Hai. Lúc này, những hộ dân có diện tích đất trồng sen sẽ tranh thủ cày xới, bón phân chuồng và lấy nước, ngâm ruộng xong mới đến giai đoạn cấy móng sen. Cây sen dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, công chăm sóc ít.

Gieo hạt ngọc trời trên ruộng hoang, nông dân thu lãi cao - 4

Sen được trồng trên ruộng dọc triền núi với nguồn nước không bị nhiễm hóa chất, không bị ao tù, xa khu dân cư nên không bị tác động bởi môi trường sinh hoạt của con người.

Ông Trần Ba - Phó Chủ tịch xã Duy Sơn cho biết ,hiện toàn xã có hơn 48ha đất trồng sen, thôn Chánh Lộc chiếm 70% diện tích. Có 16ha hộ dân địa phương gần đây chuyển sang trồng sen hoàn toàn vì sen cho thu nhập cao hơn so với lúa.

Bên cạnh đó, xã đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP chuẩn 3 sao từ hạt sen. Đây là điều kiện thuận lợi giúp nông dân yên tâm đầu tư cho sen, ổn định sản xuất.

Mỗi vụ, tổ hợp tác sen Duy Sơn sẽ đến tận các nhà để thu mua hạt sen. Một phần sản lượng người dân tự sơ chế rồi bán ra thị trường, giá trị cũng tương đối cao. Các đầm sen hiện nay thu hút du khách đến, biến nơi đây thành một điểm đến du lịch của địa phương.

"Chuyển đổi cây sen giúp các hộ dân ở thôn Phu Nham Tây và Chánh Lộc, xã Duy Sơn vốn rất nghèo, khó khăn hiện đã thoát nghèo, đời sống khá giả", ông Trần Ba thông tin thêm.

Không riêng xã Duy Sơn, phần lớn diện tích đất trồng lúa nằm gần chân núi thuộc các xã Duy Trinh, Duy Hòa, Duy Phú thuộc huyện Duy Xuyên, người dân cũng chuyển mạnh sang trồng sen. Những cánh đồng gần chân núi thường thiếu nước tưới, hay bị nhiễm phèn nên cấy lúa kém hiệu quả.

Gieo hạt ngọc trời trên ruộng hoang, nông dân thu lãi cao - 5

Theo người dân, cây sen dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, công chăm sóc ngắn nên được ưa chuộng.

Từ khi chuyển sang trồng thử nghiệm cây sen cho hiệu quả kinh tế, bà con đã nhân rộng mô hình trồng sen. Đến thời điểm này, huyện Duy Xuyên đã mở rộng diện tích trồng sen lên hơn 100ha, nhiều nhất tỉnh Quảng Nam.

Ông Trần Huy Tường - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, cây sen không những mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con mà còn là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa tới tham quan du lịch.

Gieo hạt ngọc trời trên ruộng hoang, nông dân thu lãi cao - 6

Ngoài mang lại thu nhập cho người trồng, sen còn tạo công việc cho người già, trẻ nhỏ với việc lột vỏ sen, mức thù lao khoảng 20.000/kg.

"Hiện nguồn lợi thu từ cây sen trên một đơn vị diện tích hiệu quả gấp 3-4 lần so với làm lúa. Diện tích trồng sen ngày một tăng cao, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo và ngày càng khá giả", ông Phan Xuân Cảnh cho hay.