Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH thế nào là hợp lệ?
Qua hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH KPF Việt Nam nêu các vướng mắc trong thủ tục giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động và đề nghị cơ quan chức năng xem xét, hướng dẫn.
Đã nghỉ hết chế độ ốm đau, giải quyết thế... Được chế độ ốm đau khi có giấy chứng nhận... Chỉ được hưởng chế độ ốm đau khi đang tham... Điều kiện nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau dài...
Công ty TNHH KPF Việt Nam đang xét duyệt chế độ ốm đau cho người lao động, tuy nhiên, Công ty không có thông tin về việc bác sĩ nào đủ thẩm quyền ký giấy nghỉ hưởng BHXH và Công ty cũng không thể xác định được tính xác thực chữ ký của bác sĩ.
Đồng thời, Công ty không được hướng dẫn về việc trên giấy hưởng BHXH, giám đốc bệnh viện vừa ký vào phần y, bác sĩ khám chữa bệnh, vừa ký vào phần xác nhận chữ ký y, bác sĩ là không hợp lệ.
Do vậy, người lao động phải xin nghỉ làm 2 lần để đi xin chữ ký mà vẫn không được BHXH TP. Hải Dương chấp nhận duyệt thanh toán.
Công ty TNHH KPF Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề trên.
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Liên quan đến thông tin về bác sĩ được ký giấy nghỉ hưởng lương BHXH, theo Phụ lục số 12, Thông tư số 14/2016/TT-BYT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế, các cơ sở khám bệnh chữa bệnh lập Danh sách đăng ký chữ ký của người hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, gửi cơ quan BHXH và không quy định việc danh sách này phải gửi các doanh nghiệp, vì vậy doanh nghiệp không có thông tin về bác sĩ được ký giấy hưởng lương BHXH.
Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan BHXH cung cấp danh sách đăng ký chữ ký của người hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Việc giám định chữ ký là trách nhiệm của cơ quan công an, việc bác sĩ khám bệnh, chữa bệnh ký không đúng với chữ ký đã đăng ký với cơ quan BHXH thì bác sĩ đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.
Về vấn đề ký giấy nghỉ hưởng BHXH của giám đốc bệnh viện, giám đốc bệnh viện thực hiện cả 2 chức năng là bác sĩ khám bệnh, chữa bệnh và lãnh đạo bệnh viện trong trường hợp có tham gia khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký chữ ký của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan BHXH và hành nghề đúng phạm vi chuyên môn thì việc ký xác nhận chữ ký của chính bác sĩ đó của giám đốc trên 1 giấy nghỉ hưởng lương BHXH, có đóng dấu của bệnh viện là hợp lệ.
Việc BHXH TP. Hải Dương không chấp nhận thanh toán trong trường hợp bác sĩ ký giấy xác nhận nghỉ hưởng lương BHXH không đúng với chuyên khoa đã đăng ký với cơ quan BHXH, Bộ Y tế sẽ có văn bản đề nghị Sở Y tế Hải Dương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện đúng phạm vi, thẩm quyền chuyên khoa đã đăng ký với cơ quan BHXH.
Để rõ hơn về các quyền lợi người lao động tham gia BHXH, giải đáp các khó khăn, vướng mắc khi thanh toán liên quan đến chuyên môn của Bộ Y tế, đề nghị bà Hằng nghiên cứu Thông tư số 14/2016/TT-BYT và các văn bản có liên quan, liên hệ trực tiếp bằng văn bản đến Bộ Y tế để có hướng dẫn cụ thể giải quyết vướng mắc.
Theo Chinhphu.vn