1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giáp hè, nghề "kiếm cơm treo vách tường" lại tất bật tại Hà Nội

Công Phạm

(Dân trí) - Sắp vào hè, nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa lên cao. Người thợ sửa điều hòa lại tất bật để có thể thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Đổi lại, họ phải đối mặt với sự vất vả và cả hiểm nguy.

Giáp hè, thu hàng chục triệu đồng/tháng

Mới hơn 9h sáng, anh Nguyễn Tiến Nam, chủ cửa hàng sửa chữa điện lạnh trên phố Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bảo dưỡng tới chiếc điều hòa thứ 4 trong ngày cho khách hàng.

Chia sẻ với PV, người thợ có 12 năm kinh nghiệm trong nghề này cho biết: "Đầu tháng 4, công việc của tôi bắt đầu nhiều. Nhóm của tôi có 5 thợ, nhưng vẫn không kịp làm mà phải hẹn khách lùi ngày".

Chia sẻ của những người làm nghề sửa chữa điều hòa

Để đảm bảo kịp thời công việc, anh thường xuyên phải đi làm từ 6h - 23h hàng ngày. Việc nhịn đói hay quá bữa đối với anh là chuyện thường xuyên vào những ngày cao điểm.

Trung bình mỗi ngày đầu mùa nóng, anh bảo dưỡng, sửa chữa được 10 -12 chiếc với giá từ 150.000 - 200.000 đồng. Trường hợp lắp máy mới, tiền công là 400.000 - 600.000 tùy địa hình. Những tháng đông khách, trừ chi phí, anh Nguyễn Tiến Nam có thể thu về 30 - 50 triệu đồng.

"Thời điểm có thu nhập tốt chỉ diễn ra từ đầu tháng 4 - 9 hàng năm. Khi mà hết mùa nóng cũng là lúc thợ điều hòa chúng tôi chơi dài. Để có đồng ra đồng vào những ngày vắng khách, tôi nhận sửa thêm cả tivi, tủ lạnh" - anh Nguyễn Tiến Nam cho hay.

Giáp hè, nghề kiếm cơm treo vách tường lại tất bật tại Hà Nội - 1

Anh Nguyễn Tiến Nam đang bảo dưỡng chiếc điều hòa thứ 4 trong ngày 7/4.

Tất bật với công việc bảo dưỡng điều hòa mấy ngày qua, anh Phạm Văn Cường, một thợ sửa chữa điều hòa làm việc trên địa bàn Hà Nội, cho biết: "Tôi có lượng khách quen nhất định, cứ đến đầu mùa là họ gọi. Nhiều hôm tôi phải quên cả ăn để làm kịp cho khách".

Những mánh khóe của thợ điều hòa 

Hơn 12 năm trong nghề, không ít lần anh Nguyễn Tiến Nam nhận được những phàn nàn của khách hàng về những mánh khóe của thợ, như: Người thợ cố tình lắp vòng vo dây điện, dây đồng để tăng thêm tiền, tăng giá phụ kiện vô tội vạ, báo sai về tình trạng hỏng của điều hòa để lấy công sửa cao, bơm ga ít nhưng báo với khách là bơm nhiều...

"Trước đây, nhóm thợ sửa của tôi cũng có một cậu làm rất ẩu nhưng luôn tìm cách "moi" thêm tiền của khách làm ảnh hưởng đến cả đội. Sau khi nhận được nhiều phản ánh, chúng tôi đành phải chia tay với người này vì không muốn mất hết khách quen" - anh Nguyễn Tiến Nam chia sẻ.

Cũng chia sẻ về nghề sửa điều hòa, anh Phạm Văn Cường quê ở Tứ Kỳ, (Hải Dương), nhận định: "Xu hướng khách hàng thường sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa sớm hơn vì sợ khó tìm thợ trong những ngày cao điểm".

Vào mùa hè, khách có nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng hay lắp đặt tăng gấp vài chục lần ngày thường. Cao điểm nắng gắt, khách khi có nhu cầu phải chờ cả tuần mới đến lượt.

"Để đảm bảo thời gian của khách hàng, chúng tôi chỉ có thể làm thêm giờ chứ không thể làm nhanh hơn. Tất cả các bước bảo dưỡng, sửa chữa đều phải được tuân thủ. Có hôm, tôi làm việc 13 - 15 tiếng đồng hồ" - anh Phạm Văn Cường chia sẻ.

Ngoài việc sửa chữa bảo dưỡng điều hòa, anh Phạm Văn Cường còn tư vấn, cung cấp điều hòa mới cho khách hàng, và thu mua điều hòa cũ để bán lại. Công việc này cũng đem lại cho anh nguồn thu không nhỏ.

Dù công việc vất vả, nhưng theo anh, với thợ điều hòa, đây là mùa kiếm được nhiều tiền nhất trong năm. Thu nhập từ vài chục triệu là chuyện thường, thậm chí có người kiếm cả trăm triệu đồng/tháng hè nếu giỏi kết hợp bán máy điều hòa.

Giáp hè, nghề kiếm cơm treo vách tường lại tất bật tại Hà Nội - 2

Những ngày giáp hè, anh Cường làm việc 13 - 15 tiếng đồng hồ.

Vì thế, thợ làm việc liên tục, không có ngày nghỉ, thậm chí có ngày làm tới 17 tiếng đồng hồ. Như tháng đầu hè này, dù chưa là cao điểm nhất thì anh Phạm Văn Cường đã kiếm hơn 20 triệu đồng/tháng.

Cái giá của nghề kiếm "cơm treo vách tường"

Với thu nhập "khủng" nhưng anh Phạm Văn Cường cho rằng, nghề sửa chữa điều hòa cũng phải đối mặt với rất nhiều mối nguy hiểm. Anh nói vui: "Vào hè, công việc thường rất đều, đôi khi còn quá tải. Nhiều hôm nắng nóng nhìn cái điều hòa treo trên vách tường mà tôi thấy ngao ngán, nhưng đấy là "bát cơm" nên vẫn phải cố gắng leo lên".

Anh Phạm Văn Cường cho rằng, những ngày hè, nhiệt độ cao cũng là lúc những người làm nghề như anh phải cố gắng. Để có thể làm công việc này, theo anh, phải có sức khỏe thật tốt mới trụ được.

Giáp hè, nghề kiếm cơm treo vách tường lại tất bật tại Hà Nội - 3

Theo anh Cường, công việc bận rộn nhưng từng công đoạn phải thật tỉ mỉ và cẩn thận

Ngoài ra, người làm nghề cần có sự khéo léo và thông minh để có thể di chuyển linh hoạt trên ban công, nóc nhà hay đu dây trên những bức tường thẳng đứng.

"Không ít đồng nghiệp của tôi vì bất cẩn mà ngã, nhẹ thì gãy chân, gãy tay nặng thì có người bỏ mạng. Nhiều hôm làm việc lâu dưới nắng nóng, mắt tôi như lòa đi không nhìn thấy gì một hồi lâu" - anh Phạm Văn Cường chia sẻ.

Còn đối với anh Nguyễn Tiến Nam, sửa chữa, bảo dưỡng cục nóng điều hòa vào mùa nóng luôn trở thành nỗi ám ảnh. anh cho rằng, hầu hết các gia đình đều lắp cục nóng bên ngoài, thường ở vị trí thông thoáng, thậm chí còn lắp trên những bức tường thẳng đứng, cao chót vót không một chỗ bám víu. Để lắp đặt, bảo dưỡng hay sửa chữa, thợ điều hòa thường xuyên phải treo thân lơ lửng.

"Cục nóng treo thấp thì trèo bằng thang, bám víu vào ban công để làm, còn cục nóng treo cao thang không tới thì tôi phải treo người bằng dây thừng lơ lửng giữa không trung, kèm với túi đồ nghề nặng cả chục cân. Ai sợ thì không thể làm được vì rất nguy hiểm" - anh Nguyễn Tiến Nam bộc bạch.

Giáp hè, nghề kiếm cơm treo vách tường lại tất bật tại Hà Nội - 4

Việc leo trèo đem theo đồ nghề khiến nguy hiểm luôn rình rập anh Nam 

Ngoài việc leo trèo, anh Nguyễn Tiến Nam cho rằng, việc phải phơi mình dưới nắng nóng cũng là một vấn đề mà khiến thợ sửa điều hòa ngao ngán. Dưới cái nắng thiêu đốt của mùa hè, cùng với nhiệt nóng tỏa ra từ những bức tường bê tông. Mồ hôi của người thợ toát ra chảy ướt đẫm rồi lại khô ngay dưới ánh nắng mặt trời.

"Mùa hè năm ngoái, có một cậu em làm cùng nhóm của tôi vì chóng mặt mà ngã từ trên thang cao 3m xuống đất. Hậu quả là cậu bị gẫy chân, đến nay vẫn chưa đi làm lại được. Thế cho nên, không phải ai cũng có thể làm được nghề này" - anh Nguyễn Tiến Nam thông tin.

Anh Nam, anh Cường và nhiều người thợ điều hòa khác cho rằng, đằng sau những hào nhoáng về mức thu nhập khủng, ít ai biết được họ thường xuyên phải "phơi mình" dưới nắng nóng hay treo thân lơ lửng trên những tòa nhà cao chót vót và ăn những bữa tối vào lúc nửa đêm.