1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đại biểu Quốc hội:

Giáo viên vẫn điệp khúc "câu đợi, câu chờ" ưu tiên xếp cao nhất về lương

Hoa Lê
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Chính sách tiền lương với nhà giáo sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai.

Giáo viên còn tâm tư

Thảo luận về nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp từ 1/7, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng và 10% quỹ thưởng, tăng lương hưu, trợ cấp... áp dụng từ 1/7. 

Do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương nên tiếp tục duy trì thang, bảng lương, chế độ phụ cấp hiện hành. Theo bà Ánh, một số bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó, có ngành giáo dục có nhiều tâm tư, băn khoăn. 

Bà nhắc lại từ năm 2013, sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 29, nhiều chính sách lớn về đổi mới giáo dục đã được ban hành.

Tuy nhiên, chỉ có chính sách tiền lương với nhà giáo đã nêu là lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong bảng lương hệ thống lương hành chính sự nghiệp đến nay vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai.

Giáo viên vẫn điệp khúc câu đợi, câu chờ ưu tiên xếp cao nhất về lương - 1

Đại biểu Dương Minh Ánh (Ảnh: Quốc hội).

Theo đại biểu, thời gian qua các nhà giáo vẫn luôn cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp, luôn động viên nhau hãy chờ đợi và hy vọng rồi một ngày nào đó sẽ có sự thay đổi chính sách tiền lương.

"Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các nhà giáo vẫn tiếp tục điệp khúc câu đợi, câu chờ cho đến khi có chính sách cải cách chính sách tiền lương mới", bà Ánh nói.

Bà đề nghị khi nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương tới đây cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, phụ cấp nghề với nhà giáo.

Không để giá cả "tát nước theo mưa"

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình từng bước, thận trọng, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách.

Theo đại biểu, từ thực tiễn chuẩn bị bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương còn bất cập dẫn đến lương cơ bản của công chức tăng thấp hơn so với viên chức.

Bên cạnh đó, tổng quỹ lương của công chức, viên chức chưa bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, chưa hợp lý ở bảng lương mới theo dự kiến. Ngoài ra, khi chuyển xếp từ lương cũ sang lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo đang hưởng lương chuyên môn nghiệp vụ sẽ rất khó khăn.

Giáo viên vẫn điệp khúc câu đợi, câu chờ ưu tiên xếp cao nhất về lương - 2

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ảnh: Quốc hội).

Ngoài ra, tính lương theo vị trí việc làm còn phải sửa đổi rất nhiều quy định về chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở hiện hành.

Hiện nay, nhiều Bộ ngành, địa phương đã phê duyệt đề án vị trí việc làm. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, theo báo cáo việc sắp xếp vị trí việc làm còn nặng về hình thức, chưa đảm bảo tính đồng bộ tương đồng, chưa đủ điều kiện để có thể thông qua lương mới.

"Vì vậy, Chính phủ tiếp tục thực hiện theo lộ trình tăng mức lương cơ sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ chính sách khác là rất cần thiết", đại biểu cho hay.

Để việc tăng lương cơ sở lần này cho các đối tượng có ý nghĩa, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng không thể để "tát nước theo mưa".

Theo đại biểu, khi mỗi lần Nhà nước tăng lương cơ sở thì thị trường tăng giá theo, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người dân lao động, người có thu nhập thấp.