TPHCM:
Giáo viên mầm non tư thục mong sớm nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng
(Dân trí) - "Dịch Covid-19 khiến lớp phải dừng học. Tôi xoay ra làm bánh. Mỗi chiếc bánh lãi được 500 đồng, cả ngày chỉ lãi được 20.000-30.000 đồng. Con muốn váy mới mà mẹ chưa có tiền mua", cô Luyến nghẹn ngào.
Hơn 3 tháng qua, cô Ngô Thị Luyến (29 tuổi, phụ trách lớp Lá trường Mầm Non Hoa Quỳnh tại Thủ Đức, TPHCM) phải vật lộn với đủ thứ nghề tay trái mưu sinh. Hết làm bánh ngọt, cô Luyến lại mua trái cây về rồi đăng lên mạng bán kiếm lời.
Do là nghề tay trái, ít kinh nghiệm, vốn lại ít nên mỗi ngày cô Luyến chỉ thu lợi nhuận khoảng 30.000 đồng. Số tiền ít ỏi kiếm được cô giành dụm mua thức ăn để hai mẹ con sống tạm qua ngày. Con cô cũng chẳng còn được uống sữa như những đứa trẻ khác. Khi khó khăn quá, cô lại nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè.
"Bán mỗi cái bánh lời 500 đồng nên hai mẹ con rất khó khăn. Con cũng phải bỏ sữa vì tôi không đủ tiền để mua. Trẻ nhỏ thích nhiều thứ lắm, khi con nói thích mua váy nên tôi nói chừng nào mẹ đi làm lại có tiền sẽ mua cho con", cô Luyến gạt nước mắt kể lại.
Cô Luyến có thâm niên gần 10 năm trong nghề bảo mẫu. Cô là mẹ đơn thân nhiều năm qua nên mọi chi phí nuôi gia đình đều một tay cô gánh vác. Đợt dịch vừa qua, cô nghỉ việc và hiếu thốn đủ bề.
Thấy vậy, chủ nhà trọ đã giảm cho 50% tiền thuê. Tuy nhiên, việc mất nguồn thu nhập chính khiến đời sống hai mẹ con cũng xuống dốc theo.
"Tiền kiếm thêm chỉ lo cho con thôi cũng không đủ rồi. Tôi mong sớm nhận được trợ cấp để con bớt khổ", cô Luyến ngậm ngùi.
Cũng giống như cô Luyến, hàng ngàn cô giáo mầm non phải nghỉ việc vì dịch Covid-19 cũng chật vật mưu sinh. Nhiều cô giáo nghỉ hẳn việc, chọn nghề khác, nhiều cô lại tất bật với những công việc thời vụ.
Cô Lê Thị Bé Tuyết (ngụ tại tỉnh Bình Dương) cho biết, 50% các cô trong trường nơi cô dạy đều phải làm thêm trong thời gian qua. Cô thì đi buôn bán vặt, cô thì bán đồ ăn, cô thì mua quần áo, son phấn về bán online. "Khoảng 50% các cô giáo còn lại đã nghỉ việc", cô Tuyết cho hay.
Cô Tuyết nói: "Giai đoạn này là khó khăn chung nên mình cũng đành chấp nhận. Trường cũng đã làm danh sách gửi lên phòng Giáo dục từ 2 tuần trước để mong nhận được hỗ trợ. Tôi hy vọng tiền sẽ sớm đến tay các cô để các cô giảm gánh nặng cuộc sống".
Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Hiệu trưởng mầm non Hoa Quỳnh cho biết, các cô trong trường đều rất mong đợi gói hỗ trợ từ Chính phủ. Nhiều cô có hoàn cảnh khó khăn nên các cô vẫn thường hỏi khi nào nhận được hỗ trợ.
Cô Nhàn cũng nói: "Từ đầu mùa dịch Covid-19 đến giờ, các cô giáo trong trường vẫn chưa nhận được bất kỳ gói hỗ trợ nào từ TP. Thông tin TP đã chi tiền hỗ trợ giáo viên theo gói an sinh 62.000 tỷ đồng nhưng thực tế chưa đến tay chúng tôi".
Cô Nhàn cho biết, thời gian qua, trường cũng đã hỗ trợ 1 phần lương cho các giáo viên tại trường. Tuy nhiên, từ tháng 3 tới nay các cô đã nghỉ không lương vì trường không đủ điều kiện chăm lo cho các cô được nữa.
Trao đổi thêm với PV Dân trí, anh Trương Huy Mân - Bí thư Đoàn phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) cho biết một số trường mầm non tư thục trên địa bàn đã phải giải thể vì dịch Covid-19. Các giáo viên cũng được hỗ trợ bán thêm đồ ăn sáng tại khu vực cổng trường để có thêm thu nhập.
"Các phường đã rà soát, lập danh sách các đối tượng được hưởng gói an sinh 62.000 tỷ đồng và đã gửi lên quận rồi. Hiện tại các cô giáo đều đang chờ quận hỗ trợ. Phường cũng đang rà soát lại những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn để vận động mạnh thường quân giúp đỡ", anh Mân chia sẻ thêm.
Trước đó, chiều 28/4, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết TPHCM đã chi xong 306 tỷ đồng hỗ trợ lao động mất việc, dừng việc, giáo viên mầm non ngoài công lập. Tuy vậy, theo ghi nhận của PV Dân trí, đến nay hầu hết giáo viên trên địa bàn đều chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Xuân Hinh