Giao dịch viên "cướp" tiền ngay cửa ngân hàng

Giao dịch viên là khâu đầu tiên tiếp xúc với khách hàng. Tiền vào - ra đều qua tay giao dịch viên và hàng loạt các vụ mất tiền ở khâu này là lời cảnh báo nguy cơ mất an toàn tại không ít ngân hàng ở chính vị trí được cho là thấp bé và ít quyền nhất.

Đủ chiêu thụt két

Trong đại án Huỳnh Thị Huyền Như, ngoài những nhân vật lớn với tội trọng ngàn tỷ thì người ta cũng giật mình khi hậu quả thất thoát hàng nghìn tỷ đồng có liên quan rất nhiều với các giao dịch viên.

Trong vụ đại án có tới 15 cán bộ ngân hàng bị kết án phạm tội vi phạm các quy định về cho vay thì có 10 người là các giao dịch viên, trong đó có 5 giao dịch viên của VietinBank. Chính các sai phạm của nhân viên giao dịch này đã tạo điều kiện, nối dài cánh tay phạm pháp để Huyền Như có thể chiếm đoạt lượng tiền lớn như vậy.

Trong khi đó, Nguyễn Thị Phúc Ngân từng là giao dịch viên Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng - Vietinbank chi nhánh TP.HCM bị tuyên án 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cuối 2014, TAND TP. Hà Nội xét xử bị cáo Đỗ Anh Tú, giao dịch viên Phòng giao dịch Hồ Gươm -, Chi nhánh Hà Nội - Ngân hàng SeaBank về tội làm sổ tiết kiệm giả giao cho khách, rồi chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của ngân hàng để nướng vào vào cờ bạc.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ 2011-2012,khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm, Tú nhận tiền của khách hàng rồi chiếm đoạt mà không nhập số tiền khách hàng gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng. Tú đã lấy các phôi sổ tiết kiệm hỏng phải hủy bỏ, để chế thông tin của khách hàng vào. Ngoài ra, để có sổ đưa cho khách hàng, Tú còn tìm cách lấy phôi sổ bằng cách gửi tiết kiệm với số tiền nhỏ 5 - 10 triệu đồng, đứng tên vợ, nhưng không in sổ mà giữ lại phôi sổ trắng để dùng cho mục đích rút ruột ngân hàng.
Giao dịch viên là khâu đầu tiên tiếp xúc với khách hàng, tiền vào - ra đều qua tay giao dịch viên
Giao dịch viên là khâu đầu tiên tiếp xúc với khách hàng, tiền vào - ra đều qua tay giao dịch viên

Trước đó, Lê Thái Phong, giao dịch viên ngân hàng Sacombank - chi nhánh Điện Biên Phủ đã giả mạo hồ sơ, chữ ký của các đồng nghiệp, rút chiếm đoạt 3 tỷ đồng của ngân hàng để trả nợ.

Phong đã làm giả chứng từ chuyển tiền của ngân hàng, từ phiếu chuyển tiền, hóa đơn thu phí cho tới bảng kê tiền nộp; giả chữ ký của giao dịch viên, thủ quỹ... rồi vào mạng trộm hệ thống thấy máy tính của đồng nghiệp để nhập số liệu, duyệt chứng từ trên hệ thống mạng quản lý nội bộ của ngân hàng.

Trong vụ án nguyên Trưởng phòng giao dịch Nguyễn Khánh Toàn của Oceanbank, Lê Minh Hằng làm giả hồ sơ cầm cố thẻ tiết kiệm để rút hàng chục tỷ đồng của ngân hàng cũng có sự tiếp tay của giao dịch viên khi cố tình làm trái quy trình theo lệnh sếp và bị truy tố ở khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù giam.

Rủi ro đạo đức nhân sự

Giữa năm 2013, TAND Hà Nội đã xử và tuyên phạt hai nhân viên giao dịch Ngô Thị Mỹ Liên (1980) và Nguyễn Thị Nhung (1965) chi nhánh một ngân hàng quốc doanh ở huyện Thường Tín - Hà Nội 16 và 20 năm tù vì lập chứng từ khống để tất toán 10 sổ tiết kiệm của khách hàng chiếm đoạt 6 tỷ đồng.
Giao dịch viên là khâu đầu tiên tiếp xúc với khách hàng, tiền vào - ra đều qua tay giao dịch viên

Hàng loạt các vụ mất tiền ở khâu giao dịch viên gần đây cho thấy, rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cho khách hàng đến từ ngay cả những khâu nghiệp vụ đơn giản nhất

Liên là người được phép sử dụng ấn chỉ trắng (sổ tiết kiệm) để mở, lập, phát hành sổ tiết kiệm cho khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm. Trong thời gian một tháng đầu năm 2011, Nhung và Liên đã bàn bạc, kế hoạch cùng nhau tất toán 10 sổ tiết kiệm của khách hàng mà 2 cán bộ này có trách nhiệm quản lý. Sau đó, để hợp thức và che giấu hành vi phạm tội của mình, cả hai thông đồng lập hồ sơ khách hàng gửi tiền tiết kiệm khống hoặc lập mới sổ tiết kiệm cho khách.

Trước đó, tại chi nhánh ngân hàng liên doanh VID Public Bank TPHCM, nhân viên giao dịch Trần Quốc Tài đã thụt két ngân hàng 1,6 tỷ đồng đưa về cho gia đình rồi mang theo lưỡi lam đến khách sạn tự sát nhưng bất thành.

Nhiệm vụ của Tài là thu, chi tiền cho khách hàng đến giao dịch rồi cuối ngày nộp lại cho trưởng quỹ. Tuy nhiên, trong một khoảng thời gian ngắn, nhân viên này thu tổng cộng 7,18 tỉ đồng nhưng chỉ nhập quỹ 5,68 tỉ đồng. Sau đó, Tài tự lập các giấy gửi tiền rồi giả chữ ký khách hàng giao lại cho kiểm soát viên ký kiểm tra, xác nhận nhưng không nộp tiền vào ngân hàng.

Từ hàng loạt các vụ mất tiền ở khâu giao dịch viên gần đây cho thấy, rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cho khách hàng đến từ ngay cả những khâu nghiệp vụ đơn giản nhất. Hàng loạt các giao dịch viên đã phải hầu tòa và bị tuyên án vài ba cho đến 10-20 năm tù vì vi phạm quy định cho vay hoặc cố tình lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Hoạt động kinh doanh ngân hàng luôn gắn liền với đòi hỏi an toàn và uy tín kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng cũng luôn đối mặt với rất nhiều rủi ro từ chính nhân sự, quản trị và đạo đức. Trong đó, rủi ro đạo đức đang ngày càng là nguy cơ lớn đối với các tổ chức này.

Bản án phiên tòa phúc thẩm đại án Huyền Như đưa ra kết luận, giao dịch viên là người canh cửa, người kiểm soát túi tiền của ngân hàng. Bất kỳ sơ suất nào của giao dịch viên cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ an toàn tiền vốn của ngân hàng.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, trên thực tế, hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ của ngân hàng phụ thuộc khá nhiều vào vòng kiểm soát đầu tiên với vai trò trực tiếp của các giao dịch viên. Vòng kiểm soát thứ hai chủ yếu dựa trên các chứng từ sổ sách đã được hoàn tất. Sai sót ở vòng một thường liên quan trực tiếp tới đạo đức nghề nghiệp, sự cẩn thận và hiểu biết của chính các nhân viên giao dịch ngân hàng.

Gần đây, nhiều ngân hàng đã quan tâm tới việc tăng cường đào tạo pháp lý cho khối nhân viên giao dịch. Không ít người đã giật mình về rủi ro trách nhiệm pháp lý, nhất là trong các trường hợp nhận được chỉ đạo miệng, lệnh làm tắt của các sếp.
Theo Vietnamnet.vn