Gian khó, tỏ lòng nhau
Sự chia sẻ, cảm thông của người lao động lúc doanh nghiệp gặp khó khăn sẽ khiến mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp phát triển hài hòa, ổn định, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển
Ông Nguyễn Văn Xem - Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận 12, TP HCM - đang giải quyết một cuộc tranh chấp lao động tập thể về thưởng Tết trên địa bàn
Nghe mức thưởng Tết của anh L. - công nhân (CN) Công ty D.S (quận Bình Tân, TP HCM) - gần 10 triệu đồng sau 2 năm làm việc, anh B. gắn bó tại công ty 5 năm được thưởng hơn 16 triệu đồng..., CN ở một số doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn quận Bình Tân cho rằng đó là số tiền thưởng trong mơ đối với họ.
Song, với các CN Công ty D.S, mức thưởng ấy chưa làm họ hài lòng. Cho rằng cách tính mới của công ty khiến tiền thưởng bị giảm so với năm trước, CN đã ngừng việc khiến tình hình sản xuất bị đình trệ.
Ngừng việc bất chấp lý do
Ngoài bất đồng về công thức tính thưởng, một số CN Công ty D.S còn nêu lý lẽ: “Ở các công ty xung quanh, ngoài lương cơ bản, tiền tăng ca, mỗi tháng CN còn được thưởng năng suất, còn công ty chúng tôi không có khoản này, chỉ biết trông chờ vào thưởng Tết. Nhưng rốt cuộc tiền thưởng lại giảm nên chúng tôi khó chấp nhận”.
Không đồng ý với suy nghĩ của đồng nghiệp, chị T. cho rằng mỗi DN có cách trả lương, thưởng khác nhau tùy theo thỏa thuận giữa hai bên nên không thể so sánh với công ty bạn. Hơn nữa, ở những DN có thưởng năng suất hằng tháng thì cuối năm CN được thưởng Tết chỉ bình quân 1 tháng lương cơ bản, trong khi Công ty D.S thưởng cao gấp 2-3 lần.
“Nhiều năm làm tại công ty, tôi đều được nhận mức thưởng khá cao, duy chỉ có Tết này tiền thưởng giảm khoảng 2 triệu đồng nên tôi tin vào lời giải thích của lãnh đạo rằng năm qua, tình hình kinh doanh gặp khó khăn. Tôi đã vận động mọi người chia sẻ với công ty song nhiều người không chấp nhận” - chị T. cho biết.
Điểm qua một số vụ tranh chấp lao động tập thể về thưởng Tết xảy ra trên địa bàn TP HCM đầu năm 2015 cho thấy hầu hết đều có nguyên nhân thưởng Tết giảm do DN gặp khó khăn. Đáng nói là khi được hỏi, nhiều CN biết rất rõ việc thưởng Tết phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của DN nhưng CN vẫn ngừng việc, bất chấp lý do DN đưa ra.
“Đâu phải chỉ CN mới gặp khó”
Có thể nói sau 1 năm làm việc vất vả, có được khoản tiền thưởng Tết kha khá để có thể tích lũy hoặc mua sắm những vật dụng có giá trị cho gia đình là nguyện vọng chính đáng của người lao động (NLĐ), trong đó có các CN đang làm việc tại Công ty Kềm Viba (huyện Hóc Môn, TP HCM). Thế nhưng năm nay, hơn 60 CN đang làm việc tại công ty này không có thưởng Tết.
Dù vậy, CN vẫn chấp nhận và cho rằng đây là dịp họ “trả ơn” DN. Chị Trần Thị Hựu, một CN, chia sẻ: “Thưởng Tết ai cũng muốn nhưng với tôi có được việc làm với thu nhập ổn định quan trọng hơn rất nhiều. Tôi đã 46 tuổi, đi xin việc nhiều nơi nhưng đều bị từ chối, chỉ có Công ty Kềm Viba chịu nhận. Dù mức lương ở công ty không cao nhưng nhờ đó mà tôi có thể lo cho gia đình”.
Hoàn cảnh gia đình chị Hựu rất khó khăn. Chồng chị chạy xe ôm nhưng sức khỏe yếu do bị viêm phổi mãn tính nên thu nhập thất thường. Đã vậy, cách đây 4 tháng, cả chồng và con trai lớn của chị đều bị tai nạn giao thông gãy chân đến nay chưa bình phục. Mọi chi tiêu trong nhà và tiền thuốc men cho chồng con đều trông chờ vào tiền lương của chị.
Còn anh Nguyễn Văn Út thì cảm kích công ty ở chỗ dù anh đã từng rời bỏ công ty song đến khi lớn tuổi quay về vẫn được nhận lại. Anh Út tâm sự: “Năm nay, lượng hàng không ổn định, có thời điểm công ty phải cho CN nghỉ chờ việc nhưng chưa hề nợ lương CN. DN cũng như gia đình của chúng ta, có lúc thuận lợi, cũng có lúc khó khăn. Nếu như DN ăn nên làm ra mà không thưởng thì mới đáng trách, còn DN khó khăn thật sự, ai nỡ ép DN phải thưởng cho đành!”.
Theo Báo Người Lao Động
NLĐ không nên chỉ biết đòi hỏi. “Khi DN ăn nên làm ra, thưởng Tết chính là cách để DN tri ân, động viên, khích lệ NLĐ vì những cống hiến của họ. Ngược lại, khi DN kinh doanh không thuận lợi chính là lúc NLĐ nên tạm thời gạt bỏ quyền lợi cá nhân để sát cánh cùng DN vượt qua khó khăn. Sự đồng lòng của DN và NLĐ sẽ khiến mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tạo đà phát triển cho DN. Thành quả của sự phát triển ấy không chỉ DN mà cả NLĐ đều được thụ hưởng” - ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Đào tạo Nguồn nhân lực Nam Việt, nhìn nhận. |