Giám sát kế hoạch thưởng Tết 2025 của các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM
(Dân trí) - Nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động ở TPHCM trong tháng 11 là giám sát tình hình tiền lương năm 2024, kế hoạch thưởng Tết năm 2025 của các doanh nghiệp.
Ngày 6/11, tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Phú Đức (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đã tổ chức hội nghị giao ban hoạt động tháng 10, 10 tháng đầu năm 2024.
Tại hội nghị, Ban giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đặt ra 12 nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11/2024 cho từng lĩnh vực mà sở quản lý.
Trong đó, lĩnh vực Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng và trả lương, trả thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có công văn giao Sở LĐ-TB&XH các địa phương khảo sát, nắm tình hình tiền lương, nợ lương năm 2024; kế hoạch thưởng của các doanh nghiệp trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025. Kết quả báo cáo gửi về Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 15/12.
Ngoài giám sát kế hoạch thưởng Tết, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đã đăng ký chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH (28/8/1945-28/8/2025).
Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã đăng ký 2 công trình cấp Thành phố, 50 công trình cấp Sở và 85 công trình cấp cơ sở. Sở đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.
Kết luận hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết sở đã hoàn thành 19/25 nội dung trình UBND thành phố (đạt 76% kế hoạch năm, có 15 nội dung hoàn thành trước hạn) và 25/30 nội dung chương trình công tác của sở (đạt 83,33% kế hoạch năm, có 13 nội dung hoàn thành trước hạn), không có nội dung trễ hạn.
Trong 10 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành thực hiện vượt hơn so với cùng kỳ năm 2023 như: Giải quyết việc làm tăng 2,96%; số chỗ việc làm mới tăng 6,14%; tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp tăng 9,42%; đào tạo nghề cho lao động nông thôn tăng 14,73%...
Theo ông Lê Văn Thinh, các hoạt động kết nối cung cầu lao động tiếp tục được triển khai có hiệu quả, qua đó góp phần đưa tỷ lệ lao động nộp hồ sơ đề nghị thất nghiệp giảm 10,5%, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm 8,89% so với cùng kỳ năm 2023.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đánh giá: "Tình hình quan hệ lao động tiếp tục được duy trì ổn định, hài hòa và tiến bộ. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm được quan tâm tăng cường".
Hiện công tác đào tạo nghề trên địa bàn thành phố được triển khai thực hiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Số lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt 88,05% trên tổng số lao động đang làm việc.