Giảm mức đóng đoàn phí công đoàn có lợi ra sao?

Hoa Lê

(Dân trí) - Mức phí công đoàn hiện tại là 1% tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các chuyên gia cho rằng giảm mức đóng đoàn phí công đoàn tới đây thiết thực với cả người lao động và doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, ngoài việc thông qua đề án sáp nhập tỉnh, kết thúc cấp huyện, sáp nhập xã, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Trung ương thống nhất chủ trương giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên công đoàn.

Cùng với đó, Trung ương cũng thống nhất chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang.

Trao đổi về vấn đề này, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) Lê Quang Trung ủng hộ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy và giảm mức đóng đoàn phí công đoàn.

Theo ông Trung, việc giảm mức đóng công đoàn phí rất thiết thực, cần thiết với người lao động trong bối cảnh hiện nay.

Thêm vào đó, khi được bớt đi phần nào chi phí thì người lao động sẽ có khoản lương thực nhận lớn hơn, có điều kiện tốt hơn đảm bảo cuộc sống, tham gia các hoạt động học tập nâng cao trình độ, phát triển bản thân...

Theo Luật Công đoàn năm 2012, đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016, đoàn viên ở công đoàn cơ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do nhà nước quy định sẽ có mức đóng hàng tháng = 1% x Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề.

Bên cạnh đó, mức đóng đoàn phí của đoàn viên ở công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước (cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối) quy định: Mức đóng hàng tháng = 1% x Tiền lương thực lĩnh.

Trong đó, tiền lương thực lĩnh là tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên. Mức đóng đoàn phí tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định.

Tiếp đó, đoàn phí với đoàn viên ở công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước: Mức đóng hàng tháng = 1% x Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Tài chính công đoàn được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng; Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng; Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; Các khoản thu khác.

Trong 9 năm (từ năm 2013 đến năm 2021), tổng thu tài chính công đoàn là 143.999 tỷ đồng, trung bình mỗi năm tăng 12%. Trong đó, đoàn phí công đoàn là 35.516 tỷ đồng, chiếm 24,66%. Kinh phí công đoàn là 90.836 tỷ đồng, chiếm 63,08%.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm 0,35%, tương ứng 517 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản thu khác là 17.129 tỷ đồng chiếm 11,91% tổng số thu.