1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giảm giờ làm, doanh nghiệp chọn cách nào để tăng năng suất?

(Dân trí) - “Khảo sát nhanh trong tháng 9 cho thấy, 7 doanh nghiệp với hàng ngàn công nhân đang duy trì chế độ làm việc 40 - 44 giờ/tuần có năng suất và hiệu quả làm việc không giảm. Thậm chí, 3 doanh nghiệp trong đó còn đạt năng suất cao và người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp…”.

Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN), chia sẻ nhận định về mối liên hệ giữa việc điều chỉnh giờ làm việc chính thức trong tuần với hiệu quả công việc và sức khoẻ người lao động.

Nên tăng hay giảm giờ làm?

Phân tích về giờ làm việc, ông Vũ Minh Tiến cho biết, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới đây đã xếp Việt Nam vào nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới.

Giảm giờ làm, doanh nghiệp chọn cách nào để tăng năng suất? - 1

Công nhân mỏ than Núi béo (Quảng Ninh) vào ca làm việc. (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Cũng theo khảo sát của ILO, thời gian nghỉ phép khởi điểm của người lao động Việt Nam là 12 ngày. Con số ngày này bằng với quy định của 8 nước, nhiều hơn 31 nước và ít hơn 110 nước trong danh sách.

So sánh trong 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP, ông Vũ Minh Tiến cho biết: “Việt Nam là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất, ngoại trừ Brunei chưa có dữ liệu”.

Còn với Trung Quốc, số làm việc bình thường của Trung Quốc chỉ là 40 giờ/tuần. Trong khi đó, số làm việc bình thường của Việt Nam là 48 giờ/tuần.

“Từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần cho công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước” - ông Vũ Minh Tiến nói.

Thực tế của 7 năm trước đây, thời điểm sắp ban hành Luật Lao động năm 2012, đại diện Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, Quốc hội đã dự liệu đến xu hướng giảm giờ làm.

“Điều này thể hiện tại Điều 104, Bộ Luật Lao động 2012 với quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ” - ông Vũ Minh Tiến dẫn chứng.

Nhiều mô hình giảm giờ làm

Chia sẻ thông tin về chuyến khảo sát của Tổng LĐLĐ VN về giờ làm việc ở Nhật Bản và Singapore trong tháng 9/2019, ông Vũ Minh Tiến cho biết: “Cả 2 nước này đều quan tâm đến việc giảm giờ làm. Cách đây hơn 30 năm, Nhật Bản đã giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần và hiện nay là 40 giờ/tuần. Singapore là 44 giờ/tuần”. 

Giảm giờ làm, doanh nghiệp chọn cách nào để tăng năng suất? - 2

Công nhân may trong giờ làm việc. (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Đặc biệt, ở Nhật Bản, thời giờ làm việc trong tuần của công chức hành chính nhiều hơn kỹ sư và công nhân làm việc trong các nhà máy.

Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho hay, tổng thời gian nghỉ thực tế của người lao động ở các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tới từ 120 -130 ngày/năm.

“Thực tế số ngày nghỉ cho người lao động tăng nhưng năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản luôn đứng tốp đầu thế giới trong suốt nhiều thập kỷ qua” - ông Vũ Minh Tiến nói.

Vậy bài toán tăng năng suất ra sao khi Nhật Bản giảm giờ làm? Ông Vũ Minh Tiến nhận định: “Nhật Bản chọn con đường tạo áp lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản trị nhằm giải bài toán năng suất, chứ không trút “gánh nặng” lên người lao động”.

Theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, sức lao động và thời giờ làm việc của người lao động chỉ đóng góp một tỷ lệ nhỏ nhằm tạo nên năng suất và hiệu quả lao động.

Đặc biệt, nhìn từ giác độ quan hệ lao động, thời giờ làm việc kéo dài  là một trong nguyên nhân dẫn đến xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công.

Từ quan điểm đó, ông Vũ Minh Tiến nhận xét: “Chủ doanh nghiệp cần chọn hướng cải tiến máy móc, đổi mới công nghệ và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị. Việc giảm giờ làm việc bình thường chính là nhằm mục đích giúp người lao động có thêm cơ hội phát triển và tạo động lực để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo…”. 

Phúc Dũng