Thừa Thiên Huế:
Giám đốc Sở than không đủ khả năng trả lương viên chức
(Dân trí) - "Việc giao ngành y tế tự chi trả lương cho 1.448 vị trí việc làm là quá sức so với năng lực thực tế của ngành", Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế giải trình trước các đại biểu HĐND tỉnh này.
Nợ lương mới với y bác sĩ từ tháng 7
Ngày 11/12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa 8, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo nhận nhiều câu hỏi về việc cán bộ, nhân viên ngành y chưa được chi trả mức lương cơ sở mới từ tháng 7 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế) phản ánh, hầu hết các bệnh viện công lập do Sở Y tế quản lý chưa thực hiện chi trả theo mức lương mới, gây ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của đội ngũ viên chức.
Ông Trần Kiêm Hảo cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, kinh phí chi trả theo lương cơ sở mới của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập lấy từ nguồn cải cách tiền lương, nguồn thu từ giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương.
Ông Hảo xác nhận thực tế, hiện nay các đơn vị trực thuộc Sở Y tế gần như không còn nguồn cải cách tiền lương, do năm 2023 đã huy động gần hết để chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP.
Trong khi đó, kết cấu tiền lương trong giá dịch vụ y tế hiện nay chỉ ở mức lương 1,8 triệu đồng, địa phương lại không có nguồn để chi trả mức lương cơ sở mới.
"Ngày 1/10, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản xin bổ sung 66,7 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để chi trả lương theo mức mới. Khi được cấp có thẩm quyền bổ sung, Sở sẽ chuyển kinh phí về cho các đơn vị đang thiếu hụt để chi trả lương cho viên chức trong tháng 12", ông Hảo cho hay.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, từ năm 2022, ngành được giao 1.555 vị trí việc làm hưởng lương từ ngân sách, 1.448 vị trí việc làm hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp (tương đương với tỷ lệ tự chi trả lương 48,22%).
Ông Trần Kiêm Hảo cho rằng, con số 1.448 vị trí việc làm ngành phải tự lo lương là quá cao so với năng lực thực tế, cụ thể là cao hơn 120-150 vị trí việc làm.
Cũng theo ông Hảo, việc thiếu lương nói trên phần lớn là do yếu tố khách quan, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tăng tương xứng với việc tăng lương cơ sở. Đến thời điểm này, ngành y tế đang thu giá khám chữa bệnh ở mức lương 1,8 triệu đồng.
Mặt khác, cơ sở hạ tầng các đơn vị trực thuộc ngành y tế đã xuống cấp, nhiều năm chưa được đầu tư, sửa chữa quy mô lớn, dẫn đến khó thu hút được người dân đến khám chữa bệnh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có quá nhiều bệnh viện chuyên sâu, có trình độ chuyên môn cao cùng máy móc thiết bị y tế hiện đại, đã tạo áp lực rất lớn đối với y tế địa phương.
"Sở Y tế đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh điều chỉnh cho ngành 120-150 vị trí việc làm hưởng lương từ nguồn ngân sách, để phần phải gánh phù hợp với năng lực thực tế hiện có; tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chuẩn phân tuyến kỹ thuật cho các bệnh viện", ông Hảo kiến nghị.
Nhiều địa phương thiếu hụt giáo viên
Liên quan vấn đề nhân lực, ông Hoàng Đăng Khoa, Tổng biên tập báo Thừa Thiên Huế, cho biết trên địa bàn tỉnh có nhiều địa phương thiếu giáo viên cấp tiểu học.
Thống kê cho thấy, huyện Phú Lộc thiếu 109 giáo viên, thị xã Hương Thủy thiếu 174 giáo viên; các trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thiếu 118 giáo viên, nhân viên.
Ông Khoa thắc mắc với việc tỉnh không tuyển dụng thêm biên chế khi có đến 362 "suất" được giao trong năm 2024.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, năm 2024, ngành giáo dục và đào tạo được giao 19.238 người, chiếm 85,3% tổng số lượng người làm việc toàn tỉnh.
Do biên chế giáo dục chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng số lượng người làm việc của tỉnh nên UBND tỉnh phải cân đối, giảm số lượng người làm việc đối với ngành giáo dục, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Trung ương.
Về 145 biên chế Trung ương giao bổ sung nhưng chưa tuyển dụng, ông Trần Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sẽ tham mưu UBND tỉnh bổ sung vào đầu năm 2025.