1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giám đốc cắm ô tô gán nợ và nỗi lo ngành IT sa thải 90% nhân sự

Mỹ Hà

(Dân trí) - Nếu vài ba năm trước, giám đốc công ty công nghệ thông tin (IT) "lên đời" xe ô tô thì năm nay không ít người phải cắm xe để gán nợ, có doanh nghiệp "bóp" nhân sự từ 100 xuống còn 10 người.

Trên đây là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Đức, chuyên gia cấp cao Công ty Trapets Vietnam, Scandinavian Software Park, tại "Ngày hướng nghiệp 2023", do Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 22/10.

Ông Đức và nhiều chuyên gia đưa ra bức tranh toàn cảnh về thực trạng của nhiều doanh nghiệp công nghệ sau đại dịch Covid- 19, thách thức với nhân sự IT trước làn sóng sa thải ồ ạt.

Giám đốc cắm ô tô gán nợ và nỗi lo ngành IT sa thải 90% nhân sự - 1

Sinh viên tìm hiểu doanh nghiệp về cơ hội việc làm (Ảnh: Mỹ Hà).

Trước lên đời ô tô... nay cắm xe

Theo ông Đức, giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện, nhiều công ty về công nghệ tuyển dụng ồ ạt, mức lương cho nhân sự cũng tăng đột biến, gấp rưỡi so với các năm trước.

Điều này khiến sinh viên năm cuối nhìn nhận ngành này rất "hot" và lựa chọn nhiều nhưng hiện nay, nhân sự ngành này đang rơi vào làn sóng sa thải.

Chuyên gia này dẫn con số, từ cuối năm 2022 đến nay, khoảng 380.000 vụ sa thải diễn ra, chiếm khoảng 1,9% trong số gần 20 triệu nhân sự công nghệ trên toàn cầu.

Ông Đức nhận định, con số sa thải nhân sự ngành công nghệ dù không quá lớn nhưng đã bộc lộ nhiều bất ổn. Tại thị trường Việt Nam, làn sóng sa thải đã kéo đến bởi nước ta chủ yếu gia công sản phẩm.

"Khi các công ty nước ngoài không thuê nữa, công việc không còn dẫn đến việc phải cắt giảm. Có những công ty quy mô 100 nhân sự nay chỉ còn 10, có nơi phải đóng cửa. Thậm chí có những giám đốc năm 2020- 2021 lên đời ô tô thì năm nay phải cắm xe để gán nợ, duy trì hoạt động", ông Đức nói.

Thực tế trên khiến công việc trong lĩnh vực công nghệ không nhiều như trước. Đơn cử ở trang thông tin chuyên tuyển dụng IT thông thường có 1.500 tin tuyển dụng nhưng giờ chỉ có hơn 700 tin.

Những năm trước, rất nhiều đơn vị tuyển dụng nhân sự chưa có kinh nghiệm hoặc tuyển các vị trí thực tập nhưng hiện phần lớn đều yêu cầu nhân sự có kinh nghiệm.

"Sinh viên đang đứng trước thách thức rất lớn khi thị trường đang xuống thấp điểm. Các em đang phải đối mặt cạnh tranh với lực lượng bị sa thải có kinh nghiệm của công ty khác. Tình hình tuyển dụng nhân viên IT ở Việt Nam hiện khá "xám xịt", ông Đức nhận định.

Giám đốc cắm ô tô gán nợ và nỗi lo ngành IT sa thải 90% nhân sự - 2

PGS Phó Đức Tài, Trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Ảnh: H. Hương).

Sinh viên không thể "ngồi yên một chỗ"

Theo ông Đức, nguyên nhân của việc sa thải nhân viên ngành IT ồ ạt là Việt Nam chủ yếu làm gia công, khi thị trường đi xuống, đồng nghĩa với nhân viên mất việc. Trong khi đó, các công ty nhỏ thường ưu tiên mục tiêu ngắn hạn, không có quỹ để ứng phó khủng hoảng.

Việc sa thải nhân viên do kết thúc đại dịch Covid-19, xu hướng làm việc từ xa ứng phó với dịch bệnh không còn. Các công ty rơi vào áp lực thắt chặt chi tiêu, công ty nhỏ đóng cửa hoặc phải cắt giảm nhân sự, hoạt động ở chế độ duy trì.

Ông Đức nhận định, có thể tình trạng cắt giảm nhân sự sẽ tốt dần lên vào năm 2024. Khó khăn này chỉ mang tính giai đoạn nhưng sinh viên không thể "ngồi yên một chỗ". Ông khuyên các sinh viên năm 3, năm 4 nên lăn lộn kiếm việc làm để tích lũy thêm kinh nghiệm.

Nhận định "xám xịt" nhưng theo ông Đức, điều đó không có nghĩa quá khó để các em kiếm việc làm. Hiện các công ty lớn vẫn rất khát nhân lực thực sự tài năng và sẵn sàng chi hầu bao để tuyển dụng.

Trước mắt, sinh viên cần xác định những yếu tố ưu tiên khi lựa chọn việc làm. Thực tế, nhiều tân cả nhân đã chọn đặt yêu cầu tiền lương xuống dưới một số tiêu chí khác để tăng cơ hội tuyển dụng trong ngành IT.

Trước câu hỏi của sinh viên Hoàng Anh Tuấn, lớp Khoa học máy tính, khi cho rằng sinh viên cần làm gì để lấp lỗ hổng thiếu kinh nghiệm, tăng cơ hội trước làn sóng cắt giảm nhân sự?

Ông Trần Lương, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giải pháp phần mềm Tài chính (FSS) khuyên các em đầu tiên nên trang bị chuyên môn tốt; có phong thái làm việc và nhiệt huyết, đây là chìa khóa thành công trước làn sóng cắt giảm nhân sự ngành IT.

Giám đốc cắm ô tô gán nợ và nỗi lo ngành IT sa thải 90% nhân sự - 3

Ông Nguyễn Ngọc Đức, chuyên gia cấp cao Công ty Trapets Vietnam, Scandinavian Software Park (Ảnh: H. Hương).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Lê Quang Đạt, sinh viên năm ba ngành Khoa học dữ liệu, cho biết khá lo lắng sau khi tham gia phỏng vấn qua 3 công ty tại "Ngày hướng nghiệp". Đạt nhận thấy bản thân chưa đủ kinh nghiệm để ứng tuyển tại bất cứ doanh nghiệp nào trong thời điểm này.

"Em chưa có các chứng chỉ tiếng Anh, chưa có kinh nghiệm làm các dự án thực tế, nhiều kỹ năng mềm còn thiếu. Em sẽ tìm kiếm công việc phù hợp để vừa học vừa làm, nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm để ứng phó trước làn sóng thất nghiệp đang ập đến", Đạt nói thêm.

PGS Phó Đức Tài, Trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cũng thẳng thắn thừa nhận, giao tiếp và kỹ năng mềm là thứ còn thiếu ở nhiều sinh viên IT.

Do đó, việc tổ chức ngày hướng nghiệp là dịp để nhà trường lắng nghe các chia sẻ từ doanh nghiệp, từ đó có những định hướng tốt hơn trong đào tạo, giúp các em trong công việc.

Ngoài ra, ông cũng khuyên sinh viên IT không được chủ quan, nghĩ rằng ngành này hot nên chểnh mảng việc học, dẫn đến nền tảng kiến thức không vững.

PGS Tài cho rằng, cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường trong năm nay sẽ rất khó khăn. Dự báo năm nay tỷ lệ sinh viên nhóm ngành Công nghệ thông tin của trường có việc làm sau 3 tháng tốt nghiệp sẽ không còn giữ được ở mức 95% như những khóa trước.