Giải quyết nghịch lý lao động: Tay nghề cao, năng suất thấp

Nguồn lao động trẻ và dồi dào, đã mở ra cho VN nhiều cơ hội, nhưng với trình độ kỹ năng và chuyên môn còn thấp của người lao động lại cản trở VN nắm bắt những cơ hội của hội nhập.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, Việt Nam tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, Việt Nam tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thừa nhận rằng, chúng ta có một nguồn lao động dồi dào, với tính chất cần cù, ham học hỏi. Nhưng tôi còn nhớ, trong một lần chia sẻ với một vị chuyên gia người Nhật Bản, ông này có nói rằng, theo người Nhật, năng lực và tri thức về công việc phải qua quá trình tích lũy.

Tuy nhiên, điểm yếu của người lao động VN là kiến thức của họ còn mang tính chất cá nhân. Thứ hai, người lao động VN khi làm việc theo nhóm, tập thể, tính hợp tác rất kém. Lợi thế nhân công nhiều, giá rẻ dường như đang mất dần sức ảnh hưởng khi nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã phản ánh năng suất làm việc của lao động nước ta thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Kết quả nghiên cứu của VCCI cũng cho thấy, có 54% DN FDI từng cân nhắc đến các quốc gia khác trước khi đầu tư vào VN. Cụ thể, 11,1% DN FDI đã từng cân nhắc đến Trung Quốc, Thái Lan 10,6%, Campuchia 7,7%... Nguyên nhân cũng do chất lượng và năng suất lao động của nước ta thấp hơn so với một số quốc gia. Và đương nhiên, khi chất lượng lao động thấp, đồng nghĩa với việc, người lao động VN chỉ được hưởng mức lương giá rẻ và khó được sự lựa chọn của nhà đầu tư.

Tuy vậy, trong cuộc thi tay nghề Asean, chúng ta chỉ thua kém Thái Lan và Singapore. Nhìn vào tương quan ấy để thấy, mặc dù chúng ta còn thiếu và yếu nhiều, nhưng VN đã 7 lần tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN từ năm 2001 đến nay và có 2 lần đoạt giải nhất toàn đoàn, nhờ đó đã khẳng định được vị trí của tay nghề trẻ VN trong khu vực ASEAN.

Vì vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2020, chúng ta phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và coi đây là khâu đột phá. Tổng cục Dạy nghề đã chuẩn bị chiến lược dạy nghề đến năm 2020; xây dựng đề án đào tạo nghề tầm cỡ khu vực và thế giới; xây dựng 40 trường nghề chất lượng cao, có nghề đạt trình độ khu vực và thế giới…

Có một thực tế là, trước đây, chúng ta thường đầu tư theo trường, tức là cấp kinh phí, nhà trường đầu tư nâng cấp đồng bộ cho vài nghề, thậm chí dăm, bảy nghề. Nay, chúng ta chuyển hướng đầu tư theo nghề. Cụ thể, nếu nhà trường được đầu tư 5 tỷ đồng thì số tiền ấy chỉ dành cho một nghề cụ thể. Đến thời điểm này, chúng tôi đã có quyết định của Bộ LĐ-TBXH về việc đầu tư cho trường nào, nghề gì và đầu tư ra sao. Tóm lại, chúng ta sẽ đầu tư cho chiều sâu chứ không dàn trải theo bề rộng.

Từ năm 2012, Chính phủ đã giao cho Bộ GD- ĐT phối hợp với Bộ LĐ- TBXH xây dựng khung trình độ quốc gia. Đây chính là thời điểm nước rút để chúng ta hoàn thiện khung đào tạo quốc gia để trình Thủ tướng xem xét và bắt đầu áp dụng vào đầu năm 2015. Đây được xem là bàn đạp quan trọng nhất để lao động VN có thể tự tin hội nhập cùng cộng đồng kinh tế Asean vào năm 2015.

(PGS.TS Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề, Bộ LĐ - TB&XH)

Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp