Người lĩnh lương hưu cao nhất Việt Nam lên tiếng
Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc Nhà máy bia Huda Huế nhận mức lương hưu hơn 65 triệu đồng/tháng. Ông Minh đã lên tiếng với báo chí về việc này.
Ông Nguyễn Minh, người lĩnh lương hưu 65 triệu/tháng
Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc Nhà máy bia Huda Huế nhận mức lương hưu hơn 65 triệu đồng/tháng. Đặc biệt là việc này lại được Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nêu tại nghị trường trong phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ông Minh đã lên tiếng với báo chí về việc này.
Theo ông Minh, mức lương của ông là do Bảo hiểm xã hội trả, ông đâu có can thiệp được bảo hiểm xã hội. Thậm chí ông cũng không biết cơ quan bảo hiểm ở đâu.
Trước kia, ông Nguyễn Minh là Giám đốc Sở Công nghiệp Thừa Thiên Huế, thời điểm 1989 đã nhận lương 550.000 đồng/tháng. Ông là 1 trong 2 tiến sĩ đầu tiên ở Huế. 5 năm cuối ông làm việc cho Nhà máy bia Huda (tức là vừa làm việc cho Nhà nước, vừa làm việc cho liên doanh). Lương bình quân của ông Minh hồi làm cho Huda có thời điểm lên đến 10.000 USD/tháng, ông là người đóng thuế thu nhập cá nhân rất cao, lên đến 72%. Vì thế, tuy lương 10.000USD/tháng nhưng thực chất ông bỏ túi chỉ khoảng 3.000 USD.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chia 5 năm cuối, vì thế năm 2000 về hưu, ông Minh đã hưởng lương hưu hơn 10 triệu/tháng, (hồi ấy lương hưu phổ biến là 600 ngàn đồng/tháng). “Cần phải nói lại cho rõ rằng, không phải về hưu lương tôi cao, mà là do sau khi về hưu tăng lương liên tục, có lúc tăng 30% theo mức lương tối thiểu của người lao động. Tôi lương to thì tăng nhiều” – ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, mức lương ông hưởng là hoàn toàn xứng đáng, ông là người đầu tiên làm đề án xây dựng Nhà máy bia Huda Huế, là người “đẻ” ra Công ty Huda sau này. “Tôi đã đi khắp nơi để tìm đất làm nhà máy. Sau khi gây dựng được nhà máy, năm 1995, tôi cũng là người đầu tiên xuất bia Huda sang thị trường Mỹ, với giá bán 2.300 đồng/chai Huda” – ông Minh cho biết.
Lúc đó bia Huda tại thị trường Việt Nam rất được ưa chuộng, có lúc “cháy” hàng, trong 1 năm mà 3 lần tăng giá. Nhà máy bia lúc đó nộp ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng (năm 1991), năm sau 20 tỷ đồng, cứ thế lên dần.
“Sau này các đối tác như Tiger bia, và Đan Mạch vào đầu tư. Tôi mới chọn đối tác Đan Mạch. Làm ăn với nước ngoài, làm được việc nên mức lương mới cao, mà lương cao thì về hưu cũng cao như vậy” – ông Minh tâm sự.
Ông Nguyễn Minh cũng tỏ ra buồn phiền khi việc lĩnh lương hưu cao của mình lại gây thành sự kiện truyền thông, được nêu lên cả diễn đàn Quốc hội. Theo ông, vấn đề lương cao bao nhiêu không quan trọng, mà là người hưởng mức lương đó có xứng đáng không, có minh bạch không, có thế mới khuyến khích động viên được sức sáng tạo, chứ không nên đổ đồng, người được việc cũng như người không được việc.
Bàn về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để ngăn chặn nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, dự thảo Luật cần hướng đến việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội và giảm lương hưu theo cách tính mới. Hiện đang có sự mất cân đối lớn giữa mức đóng bảo hiểm với việc hưởng lương hưu, nói cách khác là đang còn “đóng ít, hưởng nhiều”.
Thực tế, ngoài cá biệt bộ phận, ngành được hưởng lương hưu cao, thì đại đa số những người về hưu hiện nay lương hưu rất thấp. Các nhà xây dựng luật cho rằng phải hướng đến nguyên tắc lương hưu chỉ là khoản bù đắp cho hao phí lao động được hưởng khi tuổi già, chứ không hướng đến việc “phải sống đàng hoàng bằng lương hưu”.
Hiện tại, với số đông người hưu trí, đồng lương khá thấp, nên khi ốm yếu không biết trông cậy vào đâu. Bởi vậy, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, nếu ngân sách khó khăn không thể tăng lương đồng đều, thì nên phân loại những nhóm người hưởng lương thấp để tăng. |
Theo Báo Đầu tư