Giải quyết các gói hỗ trợ: Tránh việc hành chính hóa quá các thủ tục

Sinh Hiệp

(Dân trí) - Tại buổi làm việc với Hà Tĩnh, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tỉnh này quyết liệt, nhanh gọn và thông thoáng hơn nữa để các đối được thụ hưởng nghị quyết một cách chính sách nhất.

Không có trục lợi chính sách

Sáng 28/10, Đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) do ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra dẫn đầu, đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về việc triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn.

Giải quyết các gói hỗ trợ: Tránh việc hành chính hóa quá các thủ tục - 1

Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH làm việc với tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: Tiến Hiệp).

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết, tính đến ngày 27/10/2021, địa phương này đã giải quyết các chính sách hỗ trợ Nghị quyết số 68/NQ-CP cho 51.253 đối tượng, với tổng kinh phí thực gần 25 tỷ đồng.

Trong đó chính sách về giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đã có 47.719 lao động được giảm mức đóng, với số tiền 14,552 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ đối với người lao động thuộc 7 nhóm đối tượng 4,5,7,8,9,10,11 và đã có 3.884 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, với tổng số tiền 10,381 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh đã hoàn thiện việc rà soát, kê khai lập danh sách để trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ đối với 5.896 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Đối với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116/NQ-CP, Hà Tĩnh đã giải quyết chính sách cho 70.311 đối tượng với tổng kinh phí thực hiện 78,642 tỷ đồng.

Giải quyết các gói hỗ trợ: Tránh việc hành chính hóa quá các thủ tục - 2

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh (Ảnh: Tiến Hiệp).

"Cùng với việc tập trung đẩy nhanh việc xem xét, phê duyệt hồ sơ, Hà Tĩnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ở cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, vì vậy đến nay tỉnh chưa phát sinh các trường hợp nhân dân phản ánh trong việc thực hiện chính sách", ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết.

Cũng tại buổi làm việc, các sơ ban ngành, địa phương đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các gói hỗ trợ mong được hướng dẫn để thực hiện.

Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh

"Có những nhóm đối tượng để được hưởng chính sách thì điều kiện phải dừng sản xuất từ 15 ngày trở lên, nhưng các đợt dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh vừa qua, các đợt phong tỏa, giãn cách lại ít hơn, thậm chí có nơi 14 ngày rồi nhưng không đủ điều kiện về thời gian", đại diện Cục thuế Hà Tĩnh chia sẻ tại buổi làm việc.

Còn đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay, địa phương chưa có hiện tượng lợi dụng hay trục lợi khi thực hiện các chính sách này.

Tránh hành chính hóa quá các thủ tục

Tại buổi làm việc, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng chúc mừng những kết quả rất đáng khích lệ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh trong công tác phòng dịch Covid-19. Đồng thời, ghi nhận sự vào cuộc kịp thời, khẩn trương trong thực hiện các nghị quyết hỗ trợ.

"Có được kết quả này là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hà Tĩnh đã phát huy tốt hạt nhân trong việc triển khai các gói hỗ trợ, cũng như trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 đó là chính quyền cấp xã, phường", Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc cũng còn có thiếu sót, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới.

Giải quyết các gói hỗ trợ: Tránh việc hành chính hóa quá các thủ tục - 3

Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Hà Tĩnh cần phải chú trọng đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động (Ảnh: Tiến Hiệp).

 "Thủ tục đã thông thoáng, chỉ được giảm thủ tục hành chính chứ không được tăng thủ tục hành chính, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đừng sợ hưởng trùng, giống như hai người ở hai bên bờ sông, còn người đuối nước ở giữa, hai bên cứ sợ sệt cuối cùng là chết đuối. Sau này nếu có việc đó thì chúng ta yêu cầu người đó phải nộp lại", Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng nói rõ.

Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, các gói hỗ trợ này không phải là cái bánh để chia. Hỗ trợ những người nào gặp khó khăn vì dịch Covid-19, chứ đừng nghĩ như chiếc bánh để chia nhau, người này được mà tại sao người kia không được.

Ngoài ra, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Hà Tĩnh cần phải chú trọng đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động.

"Sau đại dịch Covid-19 thì tình hình trong nước và thế giới đều bị ảnh hưởng, do đó nhu cầu của khách hàng sẽ thay đổi, dẫn tới cơ cấu sản xuất thay đổi, cho nên chúng ta phải khảo sát được nhu cầu của doanh nghiệp để đào tạo lại nghề cho người lao động", Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng nói.

Giải quyết các gói hỗ trợ: Tránh việc hành chính hóa quá các thủ tục - 4

Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Hà Tĩnh quyết liệt hơn nữa, nhanh gọn hơn nữa, thông thoáng hơn nữa để các đối được thụ hưởng nghị quyết một cách chính sách nhất (Ảnh: Tiến Hiệp).

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh phải khẩn trương hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động và người lao động bị ngưng việc. Phối hợp với các địa phương khác để hỗ trợ số lao động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch là người địa phương nhưng đang hoạt động ở địa phương khác nhưng hiện nay chưa được để kịp thời hỗ trợ…

"Các địa phương phải phối hợp tốt với nhau, có thể gọi điện trao đổi với nhau, chứ đừng cầu toàn quá, đừng hành chính hóa quá. Những nội dung trên chúng ta đã làm được rồi chứ chưa phải làm được. Nhưng đề nghị Hà Tĩnh quyết liệt hơn nữa, nhanh gọn hơn nữa, thông thoáng hơn nữa để các đối được thụ hưởng nghị quyết một cách chính sách nhất", Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.